Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Thụy Điển thời gian qua có nhiều khởi sắc. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư Thụy Điển đến làm ăn tại Việt Nam như ABB, Ericsson, Volvo, Spotify hay Skype…Thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh doanh được hai nước coi là hướng đi quan trọng, đặc biệt trong xu thế đổi mới sáng tạo và hội nhập kinh tế mạnh mẽ toàn cầu hiện nay.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Thụy Điển 2019. - Ảnh Hà Linh |
Tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam- Thụy Điển được tổ chức mới đây, doanh nghiệp hai nước đã trao đổi, tìm kiếm cơ hội, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về chế tạo, thành phố thông minh, công nghệ thông tin - truyền thông, giao thông vận tải, năng lượng, y tế, nông nghiệp và giáo dục. Ông Brian Hull, Tổng giám đốc tập đoàn công nghệ kỹ thuật số ABB tại Việt Nam chia sẻ: “ABB giới thiệu tại sự kiện này những công nghệ tiên tiến nhất cũng như những giải pháp về phát triển thành phố thông minh, từng áp dụng thành công tại Thụy Điển và đang triển khai tại một số thành phố ở Việt Nam như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Tôi nghĩ rằng, với hơn 50 công ty lớn từ Thụy Điển sang Việt Nam lần này là tín hiệu tốt cho sự hợp tác mới. Nói chuyện với các CEO, tôi biết rằng họ đều nhận thấy tiềm năng rất lớn khi đầu tư tại Việt nam”.
Diễn đàn hợp tác giữa các doanh nghiệp Thụy Điển cùng các đối tác Việt Nam. |
Dẫn đầu đoàn doanh nghiệp hùng hậu sang Việt Nam lần này, Bộ trưởng Ngoại thương Thụy Điển Ann Linde ấn tượng về tốc độ phát triển mọi mặt, đặc biêt là kinh tế trong 20 năm gần đây ở Việt Nam.
Bà Linde cho rằng, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế là một thị trường năng động trong nền kinh tế toàn cầu. Vì thế, các doanh nghiệp Thụy Điển nhận thấy có nhiều lý do để tới Việt Nam tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam:
“Quan hệ thương mại song phương Việt Nam và Thụy Điển đã phát triển và ngày càng tiềm năng hơn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ. Rõ ràng là không gì có thể cản trở được sự phát triển đầy hứa hẹn và thú vị đó nếu Việt Nam có được những kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến từ các đối tác. Các công ty, tổ chức tài chính Thụy Điển nói có ý định đưa mối quan hệ với đối tác Việt Nam trở thành một nền tảng vững chắc trong thập kỷ tới’.
Hiện nay, Thụy Điển có 67 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn 360 triệu đôla. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 1,3 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn kinh doanh thành công tại Việt Nam như ABB, Ericsson, Volvo, Electrolux cùng các tên tuổi quen thuộc với người Việt như Skype, Spotfy, AKA….
Nhiều tập đoàn như Volvo, ABB, Ericsson...trưng bày sản phẩm công nghệ thông minh tại triển lãm. |
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, triển vọng kinh doanh của các công ty Thụy Điển tại Việt Nam là rất lớn và điều này mang lại lợi ích cho cả hai bên: “Hiên nay, 73% các doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam sẽ mở rộng hoạt động trong 3 năm tới và có tới 85% doanh nghiệp cho rằng, họ sẽ tăng doanh thu trong thời gian này. Mặc dù,Thụy Điển chưa phải là nhà đầu tư hay thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng tầm vóc của quan hệ, không chỉ đánh giá bằng con số mà bằng chất lượng đầu tư Thụy Điển. Thụy Điển đang đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, có tính dẫn dắt và động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh-Ảnh Hà Linh |
Hợp tác kinh tế giúp Việt Nam và Thụy Điển mở ra nhiều triển vọng khi hiệp định thương mai tự do giữa Việt Nam và Liên minh và Châu Âu được ký kết. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: “Hợp tác giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng. Và, đây chính là thời điểm vàng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương nói chung và kinh tế, thương mại nói riêng. Việt Nam tự hào được đánh giá là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong khu vực Đông Nam Á. Nền kinh tế Việt Nam đang được phát triển theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn. Hệ thống chính sách pháp luật ổn định và minh bạch hơn sẽ tiếp tục là điểm đến thu hút các nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới trong đó có Thụy Điển.”
Việt Nam và Thụy Điển có nhiểu điểm có thể bổ sung cho nhau trong hợp tác kinh tế thương mai. Việc kết nối giữa doanh nghiệp 2 nước tiếp tục là tiền đề, góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển thiết thực và bền vững.