Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Với Việt Nam, nông nghiệp tiếp tục là một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và động cơ của phát triển bền vững. Vì vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp có tính cạnh tranh, hội nhập tốt vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu và việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là nhu cầu cấp bách.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường-Ảnh VH/ Bienphong |
Trong nông nghiệp, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư dựa trên đặc trưng của cuộc cách mạng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, internet, di động với các cảm biến thông minh kết hợp với công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… tạo ra nhiều sản phẩm mới, tối ưu hóa quy trình, phương thức quản trị để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.
Việc tích hợp những ứng dụng thông minh này có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giúp thúc đẩy năng suất và hiệu quả.
Thời gian qua, tại Việt Nam, nhiều tỉnh thành đã hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty Dabaco… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 28 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, để hình thành các mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh theo khái niệm của thế giới, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy cả trên lĩnh vực hành lang pháp lý cũng như tăng cường liên kết giữa chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội quý báu để các nước áp dụng công nghệ cho nông nghiệp. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển các chuỗi nông sản ứng dụng, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản xuyên biên giới. Việt Nam là một nước sản xuất nông sản nhiều vì vậy chúng tôi rất cần những yếu tố hợp tác này để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu sâu rộng hơn, cạnh tranh hơn và hiệu quả hơn."
Bên cạnh giải pháp tăng cường liên kết giữa chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, phát triển các ý tưởng sáng tạo trong nông nghiệp, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0.
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: "Muốn chuyển giao được công nghệ người nông dân phải có kiến thức, muốn như vậy chúng ta phải đào tạo, giúp nông dân tiếp cận những công nghệ mới qua đó áp dụng để triển khai trên thực tế như thế nào. Chúng tôi đang rà soát lại các chương trình đào tạo, trong đó tăng cường bổ sung các kiến thức, kỹ năng tay nghề cho nông dân. Đồng thời cập nhật các kiến thức tổng hợp để nâng cao năng lực cho nông dân về kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, tìm kiếm thông tin thị trường, các tiến bộ khoa học kỹ thuật."
Với dân số hơn 90 triệu người, 66% trong số đó ở nông thôn, nông nghiệp Việt Nam còn khá nhiều dư địa để phát triển. Cùng với các cơ chế đột phá về thể chế, chính sách, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang đứng trước nhiều cơ hội mới để bứt phá, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới.