Ngày 11/06, tại Hà Nội, Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) tổ chức hội thảo "Thúc đẩy huy động tài chính cho dự án điện gió tại Việt Nam”. Tại đây, nhiều tham luận chia sẻ những thách thức và biện pháp giảm thiểu rủi ro khi cấp vốn cho các dự án điện gió tại Việt Nam.
Các diễn giả tham gia thảo luận về giải pháp tài chính cho điện gió |
Các chuyên gia nhận định Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có tiềm năng tốt với tốc độ gió quanh mức 6,5-7,5 m/s và chiều cao tuabin 120m là có thể hoạt động. Ngoài ra, cơ chế giá FIT (giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) cho điện gió, cùng với các chính sách ưu đãi khác như miễn thuế nhập khẩu thiết bị, thuế thu nhập doanh nghiệp... đây sẽ là lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam.
Theo bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp hội Điện gió toàn cầu, với tiềm năng về điện gió rất lớn, Việt Nam sẽ là điểm đầu tư hấp dẫn, nếu có được các khung pháp lý ổn định và lâu dài. Việt Nam cần nỗ lực hơn để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm.
Liên quan đến công nghệ, nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay với giá thiết bị đang giảm dần, công nghệ được đẩy mạnh sẽ tạo ra công suất, hiệu quả dự án cao hơn. Như vậy, vấn đề còn lại sẽ là huy động vốn như thế nào để phát triển các dự án. Nếu muốn tăng công suất điện gió, Việt Nam cần đẩy mạnh huy động từ các nguồn tài chính quốc tế.