Ngày 10/7/2017 tại trung tâm công nghệ của trường Đại học Cornell ở New York, Mỹ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) kết hợp với trường Cornell và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp), công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 (gọi tắt là GII 2018). Theo đó, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí trong xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Trong nhóm 30 nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam xếp vị trí thứ hai sau Ukraine. Việt Nam cũng được đánh giá là nền kinh tế có thành tích nổi bật trong việc biến đầu tư cho đổi mới thành những kết quả cụ thể.
Nhận xét về xếp hạng của Việt Nam trong bản GII 2018, ông Lê Thanh Bình, tham tán khoa học công nghệ của Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, cho biết có 4 điểm đáng chú ý: Việt Nam đã cải thiện được 14 bậc so với xếp hạng năm 2016; Việt Nam có điểm số cao trong cả 7 trụ cột của GII, các điểm số này đều cao hơn mức trung bình của nhóm các nước thu nhập trung bình thấp; tính hiệu quả của nỗ lực đổi mới của Việt Nam thể hiện qua cả chỉ số đầu vào và chỉ số đầu ra; trong 5 năm gần đây, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng GII có xu hướng được cải thiện trên mọi khía cạnh.
Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề sự kiện công bố GII 2018, ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia cao cấp của WIPO tham gia nhóm nghiên cứu GII, cho biết trong các ấn bản gần đây nhất của GII, Việt Nam nổi lên như một quốc gia có hiệu quả đặc biệt về đổi mới sáng tạo, trở thành hình mẫu về đổi mới công nghệ cho nhóm các nước thu nhập trung bình thấp noi theo. Theo ông Sacha, Việt Nam là quốc gia duy nhất có sự chỉ đạo từ cấp thủ tướng với một nghị quyết thành lập nhóm chuyên viên đặc biệt tập hợp nhiều bộ ban ngành khác nhau để cùng thúc đẩy những chính sách nhằm cải thiện được vị trí trong xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu.