Nghe âm thanh bài tại đây:
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu xanh hoá các ngành kinh tế. Trong đó, phát triển các trung tâm logistics xanh, cảng xanh cũng là nhiệm vụ được đặt ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, phát triển mạng lưới cung ứng xanh được xem là hướng phát triển cho các doanh nghiệp muốn tạo dựng thương hiệu thân thiện với môi trường. Đồng thời, sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế có nhiều đòi hỏi khắt khe về phát triển xanh, phát triển bền vững.
Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN |
Tại Việt Nam, phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động, xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm.
Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, khi các quy trình đó đều “xanh” thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành. Đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường: "Yêu cầu xanh và thích ứng nhanh là 2 thành phần quan trọng của bất kỳ chuỗi cung ứng nào trong bối cảnh thế giới bất ổn về địa chính trị và các yêu cầu ngày càng tăng về "xanh hóa", nhằm giảm phát thải từ các quốc gia trên toàn cầu. Hiện nay, ngành vận tải nói chung, đóng góp 24% lượng khí thải toàn cầu. Hành trình tiến tới logistics xanh và thích ứng nhanh sẽ đóng góp vào quá trình giảm thải carbon của ngành logistics Việt Nam."
Chuyển đổi xanh trong hoạt động logistics gắn liền với cam kết của Chính phủ Việt Nam về hành trình tiến tới Net Zero được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này còn nhiều thách thức.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI. Ảnh: NVCC |
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, cho rằng: "Thời điểm hiện tại, mặc dù Việt Nam hướng tới giảm khí thải carbon, hướng tới các hoạt động thân thiện với môi trường, tuy nhiên, đối với hệ thống logistic cảng biển hay vận tải biển, hay còn nhiều khó khăn, như vấn đề đầu tư, vấn đề tài chính, kể cả các vấn đề liên quan đến quy trình…"
Để đạt được các mục tiêu xanh hóa logistics trong thời gian sớm nhất, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã và đang có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Trong đó xác định, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển bền vững. Chính phủ đang xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, yêu cầu cấp bách đặt ra là có chính sách khuyến khích doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, có các cơ chế ưu đãi về thuế, tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín chỉ carbon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính…
Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng đang khẩn trương xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng: "Doanh nghiệp cần trao đổi thông tin nhiều hơn nữa, cần phải có hỗ trợ cho doanh nghiệp như xây dựng năng lực, xây dựng kỹ năng quản trị xanh, để các doanh nghiệp có thể triển khai tốt hơn. Cùng với đó, một trong những bộ công cụ đó là Bộ chỉ số doanh nghiệp và phát triển bền vững được VCCI xây dựng trong đó có rất nhiều chỉ tiêu đo lường được về mức độ xanh của doanh nghiệp Nếu chúng ta thẩm thấu tốt nội dung của Bộ chỉ số này, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh."
Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Theo đánh giá của Agility năm 2023, Việt Nam nằm trong top 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp logistics Việt cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hoá thành động lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu toàn cầu.