Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Đặc biệt trong năm 2022, giá trị xuất khẩu trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế tăng mạnh.
Theo báo cáo của Amazon Global Selling, năm 2022, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn giao dịch trực tuyến Amazon của nền tảng này đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ; đã có gần 10 triệu sản phẩm mang thương hiệu Việt được bán trên Amazon. Báo cáo cũng cho biết doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam đạt 80.000 tỷ đồng trong năm 2022 và dự kiến đến năm 2026 sẽ đạt 250.000 tỷ đồng. Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, như: môi trường, chính sách hỗ trợ, năng lực sản xuất dồi dào và cộng đồng nhà bán hàng đông đảo, năng động.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tham gia thị trường xuất khẩu thông qua thương mại điện tử ngày một tăng, Bộ Công Thương Việt Nam đang cùng nhiều sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tổ chức nhiều khóa đào tạo và hoạt động thực tế để nâng cao kỹ năng cho các doanh nghiệp, đưa sản phẩm Made in Vietnam ra thế giới.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết: “Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có nhiều chương trình phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, trang bị kỹ năng bán hàng hiệu quả trên nền tảng thương mại điện tử toàn cầu và qua đó đưa được sản phẩm của mình tiếp cận với những thị trường tiềm năng. Mục tiêu là hết năm 2026 có thể đào tạo 10.000 lượt doanh nghiệp về kỹ năng, ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như khai thác tính năng sẵn có của nền tảng thương mại điện tử toàn cầu", thông tin”.
Nghiên cứu mới nhất của Access Partnership cho thấy doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử để xuất khẩu.