Triển vọng quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyến thăm chính thức Việt Nam  của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama là dấu hiệu mới nhất của việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. 

(VOV5) - Chuyến thăm chính thức Việt Nam  của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama là dấu hiệu mới nhất của việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.


Nhân dịp này, BTV Đài TNVN điểm lại những bước phát triển của quan hệ  kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua. cũng như triển vọng mối quan hệ này trong thời gian tới.

Triển vọng quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, và ông Ray Conner, Tổng giám đốc Tập đoàn Boeing ký hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD - Ảnh: VIỆT DŨNG/tuoitre.vn


Kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, tiếp đó là ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 20 lần lên 45 tỷ USD vào năm 2015. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Hoa Kỳ có hơn 720 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 11 tỷ USD, xếp thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Những con số trên là minh chứng cho bước phát triển ấn tượng trong quan hệ thương mại giữa hai nước cả về quy mô và tốc độ phát triển. Đây là tín hiệu để kỳ vọng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh cho rằng: "Tôi cho rằng kinh tế chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa. Đây vốn là một trụ cột và sẽ tiếp tục có thêm nhiều cơ hội, khi các doanh nghiệp Mỹ nhận thấy một Việt Nam đổi mới, một môi trường ngày càng thuận lợi hơn thì đang có những dự án đầu tư và mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Thứ hai là hai nước đang tích cực cùng nhau đưa Hiệp định TPP đi vào hoạt động, tạo thêm động lực thúc đẩy thương mại trong khuôn khổ TPP nói chung và giữa Việt Nam và Mỹ nói riêng".

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, khi Hiệp định hợp tác đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ có thể tăng lên 72 tỷ USD vào năm 2020. Ước tính, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm 30% từ nay cho đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định: "Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, gần như 100% thuế nhập khẩu vào Mỹ dỡ bỏ sẽ là cú hích lớn cho nhiều mặt hàng của Việt Nam được hưởng lợi, như giày dép, dệt may, thủy sản, hoa quả, đồ gỗ, nhiều mặt hàng tiêu dùng… Dung lượng nhập khẩu Mỹ cũng tăng với gần 2.500 tỷ USD, trong khi Việt Nam chiếm chưa đầy 2% nên dư địa còn rất lớn. Khi ký kết đàm phán TPP, thì Việt Nam xóa bỏ thuế cho nhiều mặt hàng của Mỹ có thế mạnh, do đó doanh nghiệp Mỹ cũng rất háo hức chờ đón TPP để có thể tăng trưởng xuất khẩu vào Việt Nam".


Thực tế, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang không ngừng mở rộng và đầu tư, thành lập các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, đón nhận những cơ hội mới để phục vụ thị trường Việt Nam, ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam. 

Tháp tùng Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam lần này là hàng loạt doanh nghiệp Mỹ. Cùng với một loạt hợp đồng kinh tế trị giá được ký kết, các chuyên gia kinh tế nhận định nhiều tín hiệu tốt lành đã xuất hiện trong quan hệ kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu