Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017

Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt những khó khăn, thách thức, đến từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn có những thuận lợi, tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng. 

(VOV5) - Năm 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt những khó khăn, thách thức, đến từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn có những thuận lợi, tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 - ảnh 1
Ảnh minh họa


Những thuận lợi đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2017 đến từ các Hiệp định thương mại tự do, những cam kết đổi mới về thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Trong khi đó, xuất khẩu, bất động sản và chứng khoán cũng được dự báo tăng trưởng ổn định. 

Thuận lợi do các Hiệp định thương mại tự do đem lại

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng về cơ bản Việt Nam vẫn đang trong quá trình hội nhập. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể bị ảnh hưởng do chủ trương của Chính phủ Mỹ tuy nhiên những cơ chế thay thế đang được các nước bàn bạc. Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia tiếp cùng với các nước còn lại của TPP trong việc điều chỉnh Hiệp định để có thể cùng nhau thực hiện. Ngoài ra chúng ta cũng có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu: "EU cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn trong nội bộ của họ nhưng đối với từng nước thành viên lớn của liên minh châu Âu, Việt Nam cũng đã xây dựng được những quan hệ cơ bản: là đối tác chiến lược hoặc đối tác hợp tác toàn diện. Chúng ta rất cần thúc đẩy tiếp các mối quan hệ đó để tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài với họ. Và những FTA khác mà chúng ta có như với Hàn Quốc hay các nước khác thì vẫn là nền tảng cho Việt Nam vượt lên".

Cũng theo bà Phạm Chi Lan, thuận lợi tiếp theo chính là những cơ hội do đổi mới đem lại cùng với đó là việc Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong phát triển thời gian qua: "Tôi nghĩ cơ hội đổi mới hoàn toàn có sẵn. Trước hết là sức ép của nền kinh  tế. Nó là nhu cầu nội tại, buộc Việt Nam phải phát triển lên một nấc mới. Đồng thời cũng có những thuận lợi từ đổi mới mang lại. Trong quá trình hội nhập của mình, Việt Nam đang nhận thức rõ hơn bao giờ hết: muốn phát triển được phải dựa vào nội lực, phải tập trung tăng cường nội lực của nền kinh tế, kể cả nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam bởi vì không nước nào phát triển được nếu chỉ dựa vào nguồn lực ở bên ngoài".

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng hội nhập là quan trọng nhưng hội nhập quốc tế phải đạt được đồng thời mục tiêu là tăng cường nội lực của đất nước, làm cho Việt Nam mạnh hơn, cạnh tranh hơn trên thế giới thì sự hội nhập đó mới có giá trị. 


Ngoài những thuận lợi do các Hiệp định thương mại tự do và quá trình đổi mới mang  lại, tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng tư nhân sẽ được cải thiện do phục hồi thu nhập từ nông nghiệp. Thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang trong xu hướng đi lên với tốc độ ổn định hơn, thậm chí Việt Nam còn được nhận xét là đang trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư lớn trong khu vực và có lẽ là điểm đầu tư bất động sản hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Với thị trường chứng khoán, cổ phiếu Việt Nam đang có giá cao hơn nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Chủ tịch Dragon Capital,ông Dominic Scriven cho rằng chứng khoán Việt Nam vẫn còn cơ hội phát triển khi tăng trưởng lợi nhuận ròng dự kiến sẽ vào khoảng 19% trong năm 2017.

Thuận lợi đến từ quyết tâm đổi mới cơ chế, chính sách

Tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Việt Nam sẽ được cải thiện nhờ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực chính của nền kinh tế năm tới. Quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước và nợ công, triển khai quyết liệt các biện pháp chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước sẽ tạo ra những thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Các chuyên gia dự báo sẽ có sự phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; giữa thị trường vốn cổ phiếu và trái phiếu; giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: "Ngân hàng thế giới trong  bảng xếp hạng môi trường đầu tư đã nâng hạng Việt Nam lên 9 bậc. Diễn đàn kinh tế cũng tiếp tục nâng hạng Việt Nam về môi trường thương mại quốc tế. Việt Nam cũng được đánh giá là đã có những cải thiện trong việc giải quyết các vướng mắc, các thủ tục trong xuất nhập khẩu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết rất nhiều lần là nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng cam kết sẽ xây dựng một nhà nước kiến tạo, tức là nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác với doanh nghiệp và xây dựng một chính phủ liêm chính, giảm bớt tham nhũng cũng như các thủ tục hành chính".

Kinh tế Việt Nam năm 2017 tuy gặp nhiều thách thức nhưng sẽ vẫn có nhiều thuận lợi, giúp cho nền kinh tế tiếp tục phát triển, góp phần ổn định xã hội và hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu