Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Từ các tiềm năng, lợi thế sẵn có về tài nguyên rừng và đất rừng, khoáng sản, thủy điện, du lịch... Điên Biên đã, đang chú trọng thu hút đầu tư để phát triển nhanh và bền vững hơn.
Công ty cổ phần Đại An, tỉnh Hải Dương, là 1 trong số các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang quan tâm, nghiên cứu để đầu tư các dự án tại Điện Biên. Vừa qua, Công ty đã có chuyến khảo sát và đang muốn đầu tư vào các lĩnh vực, như: Phát triển khu đô thị mới tại thành phố Điện Biên Phủ; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng ở huyện Tuần Giáo, cùng một số khu du lịch sinh thái ở các địa phương…
Dự án của Tập đoàn Vin group đang hoàn thiện tại Điện Biên. Ảnh: VOV |
Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đại An, cho biết: "Lên đây, Đại An thấy là cần phải có trách nhiệm với bà con, đồng bào. Chúng tôi quan tâm đến phát triển các đô thị để góp phần đưa Điện Biên trở thành đô thị loại II vào năm 2025."
Thống kê trong hơn 2 năm trở lại đây, tỉnh Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 42 dự án về lĩnh vực thuỷ điện, thương mại – dịch vụ, nông – lâm nghiệp, khu dân cư đô thị… với tổng số vốn đăng ký gần 17.000 tỷ đồng (gần 700 triệu USD). Theo ông Bùi Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư ở trong và ngoài tỉnh.
Trong đó, chú trọng rà soát, ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, như: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; công nghiệp chế biến; công nghiệp phụ trợ; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Thành phố Điện Biên Phủ… để thu hút đầu tư. Cùng với đó là triển khai công tác xúc tiến đầu tư gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và khu vực của tỉnh.
Ông Bùi Văn Thắng cho biết: "Tỉnh Điện Biên đã tổ chức định kỳ gặp gỡ Hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhằm đánh giá tình hình thực hiện và giải quyết các tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước; tập trung xây dựng, thực hiện có hiệu quả Chương trình nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để tiếp tục thu hút đầu tư, với kỳ vọng số dự án và tổng mức vốn đăng ký đầu tư năm sau cao hơn năm trước."
Công ty TNHH trà Phan Nhất Điện Biên đã có 2 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao. Ảnh: VOV |
Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, du lịch để thu hút đầu tư, thời gian qua, nhiều tổ chức, đơn vị ở Điện Biên đã chú trọng đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Trà Phan Nhất tại Thành phố Điện Biên Phủ là một ví dụ. Sau hơn 10 năm thành lập đi vào hoạt động, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu riêng tại huyện Mường Ảng, với diện tích trang trại lên tới 20 héc ta.
Ông Phan Xuân Nhất, Chủ thương hiệu trà Phan Nhất Điện Biên, cho biết từ khi bắt đầu xây dựng vùng nguyên liệu, trà Phan Nhất đã kiên quyết đi theo mô hình sản xuất trà hữu cơ. Hiện các sản phẩm của công ty đã được ghi danh vào danh mục sản phẩm đặc sản, tiềm năng thế mạnh của Điện Biên: "Công ty đã hình thành ý thức là luôn luôn nỗ lực để có thể tạo ra các sản phẩm tốt nhất để mang đến giá trị tốt cho Điện Biên."
Tỉnh Điện Biên xác định mục tiêu đến năm 2025 đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, thu hút đầu tư được địa phương xác định là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu này. Thời gian qua, tỉnh đã tích cực kêu gọi, xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn, công ty lớn hàng đầu đất nước đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký thoả thuận hợp tác và thực hiện các dự án đầu tư lớn, như: Tập đoàn Sun Group, Vin Group, Công ty Đèo cả, ONew...
Trong thời gian tới, để việc thu hút đầu tư đáp ứng được kỳ vọng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Điện Biên sẽ đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nhấn mạnh: "Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan, đơn vị có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư. Tỉnh tiếp tục cải thiện chỉ số về đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng và có trách nhiệm trong việc tham gia thực hiện các dự án của các nhà đầu tư, cũng như của các doanh nghiệp."
Tỉnh Điện Biên đang tập trung kết hợp nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước với thu hút đầu tư từ các nguồn lực kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với phát triển đô thị; tích cực triển khai quy hoạch đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời rà soát, điều chỉnh lại đô thị thành phố Điện Biên Phủ, cùng các đô thị của tỉnh và tiếp tục tạo điều kiện để các tập đoàn lớn, như: CME, Công ty cổ phần đầu tư Đại An, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Agroup… khảo sát, đầu tư một số dự án lớn tại địa phương.