Tiếp tục đồng hành vì sự phát triển bền vững của Việt Nam

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Để đạt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp-hiện đại vào năm 2020, bên cạnh nội lực của mình, Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có nguồn lực quan trọng của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững hơn, nhất là những đối tượng cộng đồng nghèo, dễ bị tổn thương trong xã hội là cam kết của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong giai đoạn tới.

(VOV5) - Để đạt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp-hiện đại vào năm 2020, bên cạnh nội lực của mình, Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có nguồn lực quan trọng của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững hơn, nhất là những đối tượng cộng đồng nghèo, dễ bị tổn thương trong xã hội là cam kết của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong giai đoạn tới.


10 năm qua, số lượng các tổ chức phi chính phủ có mặt tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi với giá trị viện trợ tăng gấp 3 lần. Hoạt động của các tổ chức này “phủ sóng” trong nhiều lĩnh vực thiết thực, ý nghĩa cho công cuộc giảm đói nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Những dự án thiết thực tại Việt Nam

Tiếp tục đồng hành vì sự phát triển bền vững của Việt Nam - ảnh 1

Là một tổ chức có mặt rất sớm tại Việt Nam, Oxfam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Với tiêu chí: tất cả người dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, được tạo điều kiện để tham gia các cơ hội phát triển, nhiều năm qua, Oxfam đã làm việc với các đối tác ở các địa phương của Việt Nam, đặc biệt chú trọng cộng đồng người nghèo và người dân tộc thiểu số thông qua các mô hình phát triển sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai. Ông Andy Baker, Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, khẳng định: Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục mang đến những hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho cộng đồng nghèo dễ bị tổn thương, đảm bảo đời sống tốt hơn cho nhóm người nghèo ở vùng sâu, vùng xa và các vùng trọng điểm thiên tai. Chiến lược sắp tới của chúng tôi tập trung vào các nội dung chính là: Phát triển sinh kế nông thôn, nâng cao năng lực của cộng đồng do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thiên tai, tăng cường khả năng thích nghi, sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó hiệu quả hợ khi thiên tai xảy ra.


Cũng có mặt tại Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ 20, các hoạt động của Tổ chức Cứu trợ nhi đồng (Save The Chidren) trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, cứu trợ khẩn cấp và gần đây là hướng đến đối tượng trẻ em Việt Nam. Hai năm qua, với tần suất bão lũ, thiên tai dầy đặc ở miền Trung Việt Nam, Save The Chidren luôn là một trong những tổ chức có các hoạt động cứu trợ kịp thời và hiệu quả. Theo ông Gunnar F. Andersen, Giám đốc Tổ chức Save The Children, cứu trợ nhân  đạo, giúp đỡ trẻ em và gia đình khắc phục hậu quả thiên tai để trở lại cuộc sống bình thường luôn là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên của Save The Children tại Việt Nam. Về hoạt động sắp tới, ông Gunnar F. Andersen chia sẻ: Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn muốn tập trung vào nhóm trẻ em đang thực sự cần giúp đỡ. Đó là những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, những nơi hẻo lánh. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua cũng kéo theo tình trạng đô thị hóa ngày càng nhanh, điều này cũng mang lại những thách thức mới. Tôi cho rằng, đó cũng sẽ là những lĩnh vực mà chúng tôi sẽ làm trong thời gian tới và rất cần sự hợp tác với chính phủ Việt Nam để chương trình hợp tác đem lại hiệu quả cao hơn.

Tiếp tục đồng hành vì sự phát triển bền vững của Việt Nam - ảnh 2

Với Plan International, một tổ chức nhân đạo quốc tế, hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993, thì tiêu chí hoạt động trong thời gian tới là giúp đỡ các trẻ em thiệt thòi trên khắp Việt Nam, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số tại miền núi, cũng như tạo cơ hội bình đẳng hơn cho trẻ em gái. Ông Glenn Gibney, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Plan International tại Việt Nam, cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện chương trình ở 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tập trung vào các chương trình nâng cao hỗ trợ quyền trẻ em cho thanh thiếu niên. Trong 10 vùng dự án của Plan, Hà Nội là một địa phương được triển khai chương trình tập trung thúc đẩy quyền của các em gái và các cá nhân bị tổn thương của Thành phố Hà Nội. Đặc biệt là chúng tôi đang có các chương trình ở vùng sâu, vùng xa, 80% ngân sách của chúng tôi được trực tiếp đưa tới cho các nhóm đối tượng của dự án được hưởng lợi.


Vì mục tiêu phát triển bền vững

Từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, nay Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình. Việt Nam cũng đã đạt được 5/8 Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) ban đầu và đang trên đường hoàn thành nốt 2 mục tiêu vào năm 2015. Những thành tựu đó có được một phần là nhờ sự giúp đỡ rất có ý nghĩa của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và bạn bè quốc tế đối với Việt Nam. Cùng với nguồn vốn phát triển chính thức (ODA) mà các nhà tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam trong 20 năm qua, nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài góp phần thay đổi đời sống kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, trong chặng đường phát triển, để trở thành một nước công nghiệp-hiện đại vào năm 2020, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là chênh lệch mức sống giữa các vùng, tỉ lệ nghèo ở vùng sâu, vùng xa còn cao. Bên cạnh đó, hậu quả do chiến tranh để lại như bom mìn, các vật liệu chưa nổ và nạn nhân chất độc da cam/dioxin và hơn hết là sự biến đổi khí hậu cũng là khó khăn lớn mà Việt Nam phải vượt qua. Trong bối cảnh đó, sự cam kết tiếp tục đồng hành của các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam sẽ là nguồn lực quan trọng, giúp Việt Nam tiến nhanh hơn đến mục tiêu phát triển bền vững./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu