Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Chia sẻ
(VOV5) - vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải có cơ chế đặc thù để khuyến khích một số doanh nghiệp tầm cỡ phát triển trở thành doanh nghiệp đầu tàu, 

Đây là mục tiêu của Chỉ thị số 25 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành. Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

Đây là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước; có quy mô kinh tế đứng thứ 2 cả nước, chiếm gần 32% GDP của Việt Nam...Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức.

Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - ảnh 1

Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng KTTĐ Bắc Bộ.- Ảnh minh họa/ Báo Đảng CSVN.com 

Để Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát huy các tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời, phát triển mạnh những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, nhất là các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ thông tin, du lịch; gắn với phát triển đô thị thông minh, mang tầm cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp theo hướng chủ động thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải có cơ chế đặc thù để khuyến khích một số doanh nghiệp tầm cỡ phát triển trở thành doanh nghiệp đầu tàu, có quy mô khu vực và quốc tế để tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp khác trong Vùng phát triển. Ngoài ra cần tăng cường liên kết doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa theo vùng, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị trong những ngành, lĩnh vực có lợi thế của các vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu