Thúc đẩy hợp tác công tư để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Phi Long
Chia sẻ
(VOV5)- Tác động tích cực của hợp tác công – tư  mở ra cơ hội, huy động vốn của khu vực tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
(VOV5)- Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và triển khai dự án hợp tác đầu tư đối tác công tư( PPP), có ý nghĩa quan trọng. Tác động tích cực của hợp tác công – tư  mở ra cơ hội, huy động vốn của khu vực tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu triển khai các dự án PPP còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Việt nam ký Quyết định số 71 ban hành “Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư” ( PPP). Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên, tạo điều kiện cho hợp tác công - tư được thực hiện tại Việt Nam. Theo Quyết định này, các nhà đầu tư, nhà thầu tham gia dự án sẽ được ưu đãi về một số loại thuế, được quyền mua ngoại tệ, được bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng và ưu đãi vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại. Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay đã có khá nhiều dự án được thí điểm tại Việt Nam, thu hút được nguồn vốn khá lớn  từ khu vực kinh tế tư nhân đầu tư cho kết cấu hạ tầng ở Việt nam.

Dự án đường cao tốc từ Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) đến Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) là dự án đầu tiên được đầu tư theo hình thức hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân (gọi tắt là hợp tác công - tư PPP). Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài khoảng 100km, quy mô đường cao tốc với 4 làn xe giai đoạn 1 và 6 làn xe giai đoạn 2, khi đưa vào sử dụng đáp ứng được lưu lượng vận chuyển cao, rút ngắn khoảng cách từ thành phố Hồ Chí Minh tới các khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và kết nối các trung tâm kinh tế, du lịch tại khu vực Nam Trung bộ. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 15 nghìn 900 tỉ đồng (tương đương 757 triệu USD), Nhà đầu tư thứ nhất được lựa chọn là Tập đoàn Bitexco ( Tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, thủy điện, xây dựng, khai khoáng)  đã góp 60% vốn chủ sở hữu dự án, nhà đầu tư thứ 2 được lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế (chiếm 40% vốn chủ sở hữu còn lại). Theo dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2018. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, đây là lần đầu tiên tổ chức thí điểm hợp tác công - tư đối với dự án đường cao tốc, nên các công đoạn được thực hiện hết sức khẩn trương, chặt chẽ từ  việc lập hồ sơ mời thầu. “Công tác đấu thầu được tiến hành  đầu năm 2014. Tất cả công đoạn tuyển chọn đều hết sức nghiêm ngặt, đấu thầu cạnh tranh minh bạch. Kể cả giải phóng mặt bằng cũng phải triển khai hết sức quyết liệt, đảm bảo có mặt bằng sạch giao cho nhà đầu tư trước khi thi công để tránh rủi ro theo quy định của đấu thầu quốc tế PPP và quy định của Ngân hàng thế giới…”

Thúc đẩy hợp tác công tư để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế - ảnh 1
Việc ban hành nghị định PPP mới được doanh nghiệp kỳ vọng mở ra hướng đi mới cho việc hợp tác đầu tư giữa nhà nước và tư nhân - Ảnh: Anh Quân/thesaigontimes.vn

Trong Dự án này, Chính phủ đảm nhận toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng với khoản kinh phí lên tới 107 triệu đô la; đồng thời Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về “Cơ chế Quản lý và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức đối tác công - tư (PPP)”.  Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, ông Vũ Quang Hội cho biết dự án thí điểm đầu tiên chính là cơ hội tốt cho nhà đầu tư tương lai. Đây còn là cơ hội để mở ra một kênh huy động vốn vào Việt nam phát triển các lĩnh vực còn kém phát triển, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.  Đơn cử như thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước. Ước tính mỗi năm thành phố này cần hơn 20 ngàn tỷ đồng để phát triển hạ tầng đô thị, trong khi ngân sách thành phố mới chỉ đáp ứng khoảng 30-50% con số này. Bởi vậy hình thức thu hút đầu tư hợp tác công tư PPP được coi là giải pháp thiết thực cho đầu tư phát triển. Ông Vũ Quang Lãm, Phó tổng giám đốc công ty đầu tư tài chính thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “ Thực tế không có nguồn vốn ngân sách địa phương nào cũng đủ đáp ứng nhu cầu vốn phát triển. Vấn đề là cần có chính sách huy động vốn xã hội cùng đầu tư, cùng phát triển. Hiện nay chúng tôi đang làm việc đó, cố gắng mở rộng nhiều hình thức để thu hút nguồn vốn. Tuy nhiên điều quan trọng nhất hiện nay là phải hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng. Điều đáng mừng là từ năm 2011,  Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị yêu cầu tái đầu tư công. Bộ kế hoạch và đầu tư cũng đã xây dựng khung pháp lý cho việc hợp tác đầu tư công tư. Nhữngchính sách, khung pháp lý này sẽ  làm cho các nhà đầu tư yên tâm”

Theo Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu vốn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt nam ngày càng tăng. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015 cần khoảng 480 nghìn tỷ đồng, thì 5 năm tiếp theo (từ 2016 – 2020) là 730 nghìn tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn của kinh tế hiện nay, việc có được nguồn vốn lớn từ ngân sách như trên  là không thể, vì thế vấn đề mở rộng hợp tác công - tư cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài dự án Dầu Giây -  Phan Thiết, một số dự án giao thông lớn khác như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành… đã được Bộ Giao thông - vận tải đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội áp dụng theo hình thức hợp tác công tư;  Thành phố Đà Nẵng cũng đang đề xuất áp dụng cơ chế PPP đối với một số dự án lớn./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu