Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất“

Hoa Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Chiều 13/9, trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 khai mạc chiều nay tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Diễn đàn Kinh thế thế giới (WEF) Borge Brende cùng nhiều diễn giả quan trọng khác tham dự hội nghị. Trong phát biểu tại đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhiều thông điệp về sự đồng hành phát triển cùng các nhà đầu tư quốc tế của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kết quả của WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam đã tạo nên 1 hình ảnh đẹp trong cộng đồng quốc tế về sự hợp tác hiệu quả giữa nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng như các nước ASEAN. Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh là sự tiếp nối rất khoa học để biến những chủ trương định hướng chính sách lớn của WEF ASEAN vào cuộc sống để phát triển kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất“ - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borger Brende đối thoại với các nhà đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thử thách trong đó có sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại, đe dọa các xu thế thương mại đa phương lẫn song phương. Tuy nhiên, Việt Nam luôn nhất quán đề cao những lợi ích của thương mại tự do và nhận thức rõ các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính là hòa bình hợp tác và toàn cầu hóa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Về phía Chính phủ, Chính phủ cam kết đóng vai trò kiến tạo phát triển,  đồng hành cùng với các doanh nghiệp nước ngoài trong toàn bộ tiến trình hoạt động tại Việt Nam. Về phía nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ Việt Nam mong muốn nhiều tập đoàn kinh tế, nhiều doanh nghiệp FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng của mình, tạo cơ hội nhiều hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, đặt niềm tin vào các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong chuỗi toàn cầu hóa nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó, đồng thời Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt không thua kém bất cứ quốc gia nào".

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, tăng trưởng kinh tế VN vẫn đang được duy trì trong top các quốc gia có tốc độ cao trên thế giới, năm 2017 là 6,81%. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã là 6,08% là mức cao nhất trong 10 năm qua ở VN kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2018. Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF  ở mức 55/137 quốc gia, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam là 68/190 nền kinh tế.... Như vậy, Việt Nam có bước tiến bộ rất lớn về môi trường kinh doanh đầu tư ở VN, kể cả luật pháp, thể chế cũng như xử lý cụ thể ở các cấp, các ngành, các địa phương. Việt Nam đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới và là một điểm tựa của các tập đoàn đa quốc gia cung ứng dịch vụ, cạnh tranh trên toàn cầu, độ mở thương mại quốc gia hiện đạt trên 200% GDP. Theo thống kê mới đây, Việt Nam đã có hơn 26 nghìn doanh nghiệp FDI đang hoạt động với số vốn đầu tư cam kết trên 331 tỷ đến từ 131 đối tác, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Đó là sự chỉ dấu tích cực của các nhà đầu tư về sự tin tưởng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm: "Việt Nam là thành viên của WTO, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do bao gồm 6 FTA của ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…và Hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP đang được phê chuẩn, tiếp theo là Hiệp định thương mại tự do với EU và RCEP thúc đẩy được ký kết vào cuối năm nay. Các hiệp định này đang mở ra cánh cửa của hơn 50 nền kinh tế, là cơ hội được kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Có thể nói giờ đây khi đứng ở Việt Nam, các bạn có thể nhìn thấy cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới đặc biệt với thị trường ASEAN, Việt nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất đồng thời Việt Nam có một vị trí địa chiến lược tối ưu cho chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được".

Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thắng lợi của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng là thắng lợi của Chính phủ Việt Nam.Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp nhiều hơn vào việc hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu