Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển

Bá Toàn
Chia sẻ
(VOV5) - Việc thị trường bán lẻ Việt Nam có quy mô ngày càng lớn đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà bán lẻ, nhất là các nhà bán lẻ lớn trên thế giới.

Với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng tăng, thị trường bán lẻ Việt Nam được nhận định là một mảnh đất màu mỡ với rất nhiều tiềm năng, dư địa có thể khai thác. Cùng với đà phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh, Việt Nam cũng được nhiều doanh nghiệp bán lẻ quốc tế quan tâm, đầu tư.

Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Tài Chính

Từ năm 2000 đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới, với tăng trưởng bình quân 25%/năm và gia tăng rõ rệt khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đầu năm 2007. Nếu như ở thời điểm năm 2007 Việt Nam mới chỉ có 140 siêu thị và đại siêu thị, 20 trung tâm thương mại, thì tới nay theo thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện có khoảng 1.100 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Cùng với đó, quy mô của thị trường cũng tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức 42,5 tỷ USD vào năm 2007 lên mức 142 tỷ USD vào năm ngoái. Hiện, thị trường bán lẻ Việt Nam rất phong phú, đa dạng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng và là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, Saigon Co.op, cho biết: "Trong 5 tháng đầu năm nay, thị trường bán lẻ cũng bị ảnh hưởng từ những biến cố trên thị trường nhưng tổng thể chung thì vẫn có tăng trưởng. Người tiêu dùng yêu cầu hàng hóa phải ở chuẩn mực cao hơn, giá cũng có những biến động hay mẫu mã của hàng hóa cũng có những thay đổ. Những thay đổi này cũng tạo ra những khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ".

Việc thị trường bán lẻ Việt Nam có quy mô ngày càng lớn đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà bán lẻ, nhất là các nhà bán lẻ lớn trên thế giới. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua hàng của Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… ngay trong nước. Ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm: trong bối cảnh suy thoái của kinh tế thế giới, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá là còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và các nhà bán lẻ: "Các nhà bán lẻ, các nhà phân phối nói chung vẫn có những cơ hội nhất định, họ vẫn có thị trường ngách trong quá trình tăng trưởng. Có những loại hình hiện nay tăng với tốc độ rất cao là những mô hình chuyên doanh, xác định theo nhu cầu riêng biệt. Những mô hình mang đến tiện lợi cao hơn cho khách hàng thì vẫn có một tăng trưởng phù hợp. Bên cạnh đó, là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Đây là những cơ hội không chỉ là đối với các doanh nghiệp bán lẻ mà cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm".

Theo dự báo của Bộ Công Thương, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tiếp tục là một trong những lĩnh vực tiềm năng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu