(VOV5)- Là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Hồng, Thái Bình cách Thủ đô Hà Nội 110 km, nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, Thái Bình đang là địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Không những “trải thảm đỏ” để mời gọi đầu tư, tỉnh còn có những chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các doanh nghiệp khi đến với Thái Bình.
Nhấn để nghe âm thanh:
Thái Bình có bờ biển dài 54 km, với 5 cửa sông lớn ra biển, trong đó có 6.000 - 7.000 ha có thể phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Về tài nguyên, khoáng sản; Thái Bình có bể than Đồng bằng sông Hồng, được đánh giá có trữ lượng lớn (trên 210 tỷ tấn) ở độ sâu từ 600 đến 1.600 m, đã được Chính phủ quy hoạch khai thác từ năm 2015, mở ra khả năng phát triển công nghiệp. Sắp tới, sẽ có 1 số tuyến giao thông quan trọng như: Quốc lộ ven biển là tuyến hành lang kinh tế của các tỉnh duyên hải Nam Đồng bằng sông Hồng; Cảng Cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện), cảng container lớn nhất Việt Nam, cách Thái Bình khoảng 30 km, đang được xây dựng; tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc từ Nam Định qua Thái Bình sang Hải Phòng (quy hoạch sau năm 2020) sẽ thúc đẩy Thái Bình giao lưu kinh tế và thu hút đầu tư. Ông Trần Xuân Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thái Bình, cho biết: “Lợi thế của Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp toàn diện, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Thái Bình cũng được thiên nhiên ưu đãi như có nhiều mỏ khí đốt. Gần đây, tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí VN để đưa các dòng khí từ ngoài biển vào đất liền để khai thác, phát triển công nghiệp. Hiện Thái Bình đã thu hút trên 600 dự án đầu tư, trị giá hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, Thái Bình chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn... Nguyên nhân cơ bản là cơ sở hạ tầng của Thái Bình còn yếu nhưng trong thời gian tới, khi được Chính phủ quan tâm, đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông... thì Thái Bình sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình”.
I
Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, Thái Bình đã triển khai công tác đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng các tổ chức kinh tế, hiệp hội doanh nghiêp, các đơn vị đào tạo chuyên nghiệp để tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý; giúp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp trên địa bàn. Thái Bình có nguồn nhân lực rất dồi dào khoảng 1 triệu người trong độ tuổi lao động và được đào tạo tay nghề… sẵn sàng đáp ứng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, Thái Bình còn triển khai các chương trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại, du lịch của tỉnh Thái Bình. Đánh giá về môi trường đầu tư của Thái Bình, ông Fredesman Turro Gonzalez, Đại sứ Cuba tại Việt Nam, cho rằng: “Cuba là một đất nước ít có doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài nhưng tôi nhận thấy Thái Bình có đủ những điều kiện thuận lợi để đầu tư như nguồn nhân lực được đào tạo tốt; điều kiện tự nhiên có bờ biển dài… Tôi đã đến Thái Bình để thăm quan, tìm hiểu và đặc biệt đối với Cuba, chúng tôi quan tâm nhiều đến Thái Bình với tư cách là tỉnh sản xuất nông nghiệp chủ yếu của Việt Nam; năng suất gạo tại Thái Bình cũng rất cao”.
Cho đến nay, Thái Bình đã được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Trong đó, tỉnh sẽ phát triển, xây dựng Khu kinh tế ven biển Thái Bình giai đoạn I gồm 10.000 ha đã quy hoạch và phát triển 15 Khu công nghiệp (KCN) tập trung và hơn 40 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, Thành phố (giai đoạn tới năm 2020), với tổng diện tích gần 4.500 ha. Ngoài ra, một số dự án đầu tư công nghiệp trọng điểm sắp hoàn thành như: Trung tâm Điện lực Thái Bình, Nhà máy Sản xuất Nitrat Amon, Đường ống dẫn khí đốt vào bờ... sẽ là lợi thế không nhỏ để tăng cường thu hút đầu tư vào Thái Bình trong giai đoạn tới. Ngoài 9 khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.000 ha, tỉnh vẫn tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp ven biển; và thực hiện các chính sách ưu đãi cho các dự án có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội... Ông Trần Xuân Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thái Bình, khẳng định: “Thái Bình sẽ thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách mà Chính phủ VN đã ban hành về thu hút đầu tư. Đồng thời Thái Bình cũng có những ưu đãi đầu tư riêng trong đó có ưu đãi về đào tạo, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo cơ chế này, Thaí Bình thực hiện cơ chế “một cửa”, giao cho Sở Kế hoạch và đầu tư của tỉnh làm tất cả các thủ tục cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ việc đến nhận quyết định ưu đãi đầu tư và thực hiện luôn dự án của mình”.
Tỉnh Thái Bình đã và đang tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước như tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... đồng thời tổ chức các đoàn công tác đi nghiên cứu, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và một số nước châu Âu.
Thái Bình đang nỗ lực để kêu gọi các nguồn lực đầu tư nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh. Trong thời gian tới, Thái Bình chủ trương thu hút những dự án đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao; ưu tiên thu hút những dự án nằm trong danh mục khuyến khích đầu tư, dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường./.