Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ định hướng phát triển thành địa phương tăng trưởng xanh và bền vững, Quy hoạch còn thể hiện rõ vai trò động lực của Quảng Ninh trong toàn Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (ở giữa, hàng trên) trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: VOV |
Gần 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh được đánh giá có nhiều bước phát triển đột phá với đà tăng trưởng luôn ổn định ở mức cao hàng đầu cả nước. Tăng GRDP (bình quân theo thu nhập đầu người) 2 con số trong 7 năm liên tiếp (cao gấp 1,5 lần trung bình cả nước), cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
Tại bản Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố ngày 12/2 vừa qua, quan điểm then chốt của Quảng Ninh vẫn là phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào 3 trụ cột: thiên nhiên, con người và văn hoá. Quy hoạch mang tính kế thừa những định hướng chiến lược trước đây, đồng thời xác định những khâu đột phá mới.
Ông Marco Breu, Giám đốc Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam, một trong các đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: "Chúng tôi đảm bảo rằng tất cả những Quy hoạch từ năm 2011 đến năm 2020 khi chuyển sang Quy hoạch mới này sẽ là sự kế thừa, chuyển tiếp liền mạch không có đứt gãy. Chẳng hạn việc phát triển bền vững với nền kinh tế xanh, với gốc rễ từ Quy hoạch cũ thì Quy hoạch mới đã bổ sung nhiều điểm, thích ứng với thời đại, xu hướng mới trên toàn cầu."
Hiện, tỉnh Quảng Ninh đã có phương hướng phát triển cụ thể cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao. Bên cạnh đó, mục tiêu trở thành “trung tâm logistics, trung tâm kinh tế biển, nông nghiệp sinh thái xanh - sạch” cũng là những định hướng trọng tâm.
Ông Surasak Phanraungwong, Phó Chủ tịch thứ nhất phát triển kinh doanh Công ty B.Grimm (Thái Lan) đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh, đánh giá: "Trước mắt, chúng tôi muốn nghiên cứu phát triển điện gió, sau đó là điện mặt trời, điện khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Theo nghiên cứu của chúng tôi, Quảng Ninh là khu vực có nguồn gió tốt, có nhiều tiềm năng và đã phát triển công nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về hạ tầng cả về khả năng kết nối giao thông lẫn hệ thống truyền tải điện cho khu vực."
Theo Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương án tổ chức không gian hoạt động kinh tế-xã hội của Quảng Ninh có sự mở rộng, không còn chỉ tập trung tại những khu vực thuận lợi, giàu lợi thế. Tỉnh hướng tới khai thác sử dụng bền vững không gian biển đảo; kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương…
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Ảnh: VOV |
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh xác định vai trò của mình trong việc thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng và hợp tác lãnh thổ. Đây cũng là nhóm giải pháp trọng tâm mà ông Nguyễn Xuân Ký, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh: "Đối với phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, trên cơ sở mạng lưới đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đã được hoàn thành và phát huy hiệu quả, cần có biện pháp, lộ trình cụ thể kết nối nguồn lực các địa phương trong Vùng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành các hạng mục có tính khớp nối, khắc phục các điểm nghẽn của “trục khuỷu giao thông” cản trở liên kết vùng. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thu hẹp chênh lệch vùng miền; đồng thời nâng cao khả năng kết nối thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế theo quy hoạch của Vùng và phía Bắc."
Cùng với những con đường, cây cầu kết nối Quảng Ninh và Thành phố Hải Phòng, các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn... đang dần hoàn thiện, tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất tổ chức đô thị theo định hướng quy hoạch không gian phát triển chung; có sự “phân vai” giữa các địa phương trong vùng để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được coi là “tem đảm bảo” góp phần khai thông các “điểm nghẽn”, không chỉ giúp địa phương huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực mà còn góp phần để các địa phương trong vùng bổ sung cho nhau, cùng nhau phát triển trong tổng thể tam giác động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng đồng bằng sông Hồng