Quảng Ninh – Hình mẫu cho mô hình nuôi biển bền vững

Lê Phương - Minh Long
Chia sẻ
(VOV5) - Quan điểm phát triển của Quảng Ninh là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế...

Nghe âm thanh bài tại đây:

Phát triển nuôi biển nhằm giảm khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xây dựng ngành thủy sản bền vững. Để cụ thể hóa chiến lược phát triển nuôi biển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong của cả nước trong phát triển nuôi biển và đã đạt được những kết quả tích cực.

Quan điểm phát triển của Quảng Ninh là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, việc làm cho người dân, đảm bảo sức khỏe của các hệ sinh thái biển và đại dương, không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế biển bằng mọi giá.

Quảng Ninh – Hình mẫu cho mô hình nuôi biển bền vững  - ảnh 1Mô hình nuôi biển của người dân tại Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: dangcongsan.vn

Tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách nhằm phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Hiện, nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Sản lượng thủy sản tăng từ gần 89 nghìn tấn năm 2013 lên hơn 175 nghìn tấn vào năm 2023; Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tăng về quy mô, sản lượng, nâng tổng diện tích nuôi trồng lên hơn 32.000 ha, tăng hơn 10.000 ha so với năm 2013.

Đặc biệt, thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc giao biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng, Quảng Ninh là 1 trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thí điểm giao biển với mục tiêu cao nhất lấy người dân làm trung tâm.

Quảng Ninh – Hình mẫu cho mô hình nuôi biển bền vững  - ảnh 2Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Báo Nhân dân

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Chúng tôi đã quy hoạch vùng nuôi ở tất cả các địa phương có biển trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, mang tất cả những khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới đến với Quảng Ninh.

Trên cơ sở đó, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc giao khu vực biển cho người dân, doanh nghiệp ở các khu vực biển trên địa bàn tỉnh."

Chiến lược nuôi biển của Quảng Ninh là lấy nhà nông chuyên biệt làm nòng cốt, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu hướng tới đa giá trị. Lợi thế lớn của tỉnh sẽ tận dụng thị trường khách du lịch mỗi năm trên 20 triệu khách để tiêu thụ. Kết hợp nuôi trồng thủy hải sản hướng ra biển với khai thác thủy hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và dịch chuyển mật độ nuôi biển từ vùng biển 3 hải lý trở vào để mở rộng diện tích nuôi biển phù hợp với quy hoạch và sức tải của môi trường.

Tập đoàn STP là một trong những doanh nghiệp tham gia phát triển nuôi biển hiệu quả tại tỉnh Quảng Ninh. 7 năm qua, doanh nghiệp đã bền bỉ thực hiện mô hình nuôi biển xen canh, kết hợp du lịch và tìm kiếm thị trường nước ngoài với mong muốn gia tăng giá trị trên 1 ha diện tích nuôi trồng.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn STP, cho biết: "Chúng tôi đang nuôi xen canh rong sụn với loài hai mảnh và sắp tới là nuôi với ngọc trai. Chúng tôi nuôi đa tầng, bằng hệ lồng nổi HDPE. Trên 1 hệ sinh thái như vậy, chúng tôi sẽ gia tăng giá trị của nhiều loài nuôi, kết hợp giữa nuôi và trồng như vậy sẽ tăng giá trị của nhiều loài nuôi trong 1 ha được cấp. Những mặt hàng này sẽ được xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Nhật, Australia với giá trị gấp 3,4 lần đang bán hiện nay."

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá: "Nuôi biển bền vững giúp nông dân ổn định đời sống tốt hơn. Cách làm của Quảng Ninh là quyết tâm rà soát, điều chỉnh mật độ lồng nuôi và diện tích nuôi, quy hoạch lại những vùng nuôi phát triển tự phát. Quảng Ninh đã ban hành được các tiêu chuẩn về vật liệu nuôi, áp dụng công nghệ tiên tiến. Về giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản mọi nơi khó triển khai nhưng Quảng Ninh đã làm được. Nếu quyết tâm các địa phương khác cũng sẽ triển khai được như cách làm của Quảng Ninh."

Trong chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh, nuôi biển sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới. Đề án nuôi biển của Chính phủ cũng đã xác định Quảng Ninh sẽ là trung tâm nuôi biển của Quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Tỉnh đã quy hoạch hơn 45.000 ha khu vực biển dành cho nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị, tính bền vững, gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc trên địa bàn.

Trong đó, đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng, nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản, phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, tổ chức sản xuất hiện đại…"     

Những thành công triển khai mô hình nuổi biển tại Quảng Ninh đã góp phần tạo chuyển biến đáng kể về chất lượng môi trường tự nhiên, thúc đẩy nuôi biển bền vững, xây dựng thương hiệu thủy sản Quảng Ninh với các giá trị mới

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu