Sâm Ngọc Linh là loại thảo dược chỉ có ở khu vực núi Ngọc Linh, nằm giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, địa bàn sinh trưởng chủ yếu của sâm Ngọc Linh, đã và đang bảo tồn, phát triển diện tích trồng sâm, xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh ra thị trường thế giới.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
|
Sâm Ngọc Linh được phát hiện năm 1973 và đến năm 1985, các nhà khoa học Việt Nam xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam. Đỉnh Ngọc Linh cao gần 2.600m với những cánh rừng nguyên sinh phong phú của hệ động, thực vật cùng các điều kiện tự nhiên đặc biệt rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Những kết quả phân tích thân và rễ, củ của Sâm Ngọc Linh, các nhà khoa học xác định được có 52 loại Saponin, trong đó có 26 Saponin có cấu trúc hóa học thường thấy trong sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản và 26 Saponin có cấu trúc mới, không có trong các loại sâm khác. Như vậy, đây là một trong những loại sâm có hàm lượng Saponin nhiều nhất. Ngoài ra, các bộ phận trên mặt đất của sâm như lá, thân sâm Ngọc Linh đã phân lập được 19 Saponin Dammaran, trong đó có 8 Saponin có cấu trúc mới. Ông Hồ Quang Bửu Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: "Hiện nay, khi Đề án phát triển cây Sâm Ngọc Linh được Chính phủ đồng ý vào tháng 9/2015, diện tích trồng Sâm đã tăng 900%, từ hơn 100 héc ta, đến ta đã có trên 1.200 héc ta. Từ chưa đến 100 hộ dân trồng sâm, đến nay có hơn 1000 hộ dân, từ 1 xã đã nhân rộng ra 7 xã. Cơ chế chính sách của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam, huyện rất hỗ trợ cho người dân phát triển cây sâm Ngọc Linh".
Nhân giống và trồng cây sâm Ngọc Linh trên đỉnh núi quanh năm mây phủ
|
Tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch vùng phát triển sâm Ngọc Linh tại 7 xã thuộc huyện Nam Trà My với tổng diện tích khoảng 15.000 ha, với mục tiêu từ năm 2015 đến năm 2020, các xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam sẽ trồng 100 ha sâm Ngọc Linh, với số lượng 1 triệu cây. Đồng thời xây dựng bản đồ gen cho cây sâm Ngọc Linh để tạo giống gốc cho sâm quốc gia. Theo Đề án quốc gia về phát triển cây sâm Ngọc Linh, đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm đứng thứ 2 trên thế giới (sau Hàn Quốc); hằng năm sản xuất ra được 500 - 1.000 tấn sâm thương phẩm. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương, xây dựng thương hiệu của Quốc gia của Sâm Ngọc Linh cũng như ban hành các quy định về quản lý vùng trồng sâm để đảm bảo giữ được giống sâm gốc. Trong các loại sâm trên thế giới hiện nay, Sâm Ngọc Linh, Sâm Việt Nam, được đánh giá trị kinh tế cao nhất, hàm lượng saponin tốt nhất, nhiều nhất… Các loại sâm của hàn Quốc, Mỹ đã xây dựng được thương hiệu Quốc gia, đa dạng sản phẩm, chính vì vậy nếu được nghiên cứu khoa học, thực hiện bài bản thì Sâm Ngọc Linh hoàn toàn có thể cạnh tranh với các loại sâm trên thế giới".
Sâm Ngọc Linh sinh trưởng chậm nên những củ to và tuổi đời cao như thế này rất hiếm
|
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều hoạt động trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh như xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh ra thị trường trong và nước ngoài. Dự án “Xây dựng Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ” là bước đi thiết thực, thể hiện nỗ lực bảo vệ và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh. Việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam và Kon Tum sẽ bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của người sản xuất và tiêu dùng. Hiện thương hiệu sâm Ngọc Linh vẫn chưa được nhiều khách hàng quốc tế biết tới, cho dù giá trị và chất lượng đã được công nhận. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Nam đang có chiến lược quảng bá sản phẩm hàng hóa rộng rãi; đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam lẫn nước ngoài. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho rằng: Có sự đồng thuận, phối hợp hành động chặt chẽ từ nhiều phía, từ các nhà khoa học, các cấp quản lý, đến tổ chức, cá nhân sẽ phát huy giá trị, thương hiệu của loại sâm số 1 thế giới. Việt Nam có thể tự hào về cây sâm Ngọc Linh như người Hàn Quốc tự hào về tên gọi của đất nước mình - đất nước nhân sâm. Huyện Nam Trà My đang kêu gọi các doanh nghiệp cùng với huyện xúc tiến những sản phẩm sâm Ngọc Linh ra thế giới. Đây cũng là điều mà huyện mong muốn và kỳ vọng doanh nghiệp sẽ phát triển các sản phẩm. Cũng cần phải giữ được cây sâm chính gốc, đồng thời giữ rừng, phụ hồi rừng để trồng sâm.
Hiện cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp của Việt Nam và tỉnh Quảng Nam đang tích cực đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu ra thế giới. Tỉnh Quảng Nam cũng đang lên kế hoạch xây dựng các tuor du lịch văn hóa địa phương gắn với du lịch vườn sâm, từ đó quảng bá cũng như tiêu thụ các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh.