Hôm nay, 20/4, Ngày Thương hiệu Việt Nam. Trải qua 15 năm, Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2023) đã góp phần tăng cường nhận biết Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, quảng bá giới thiệu các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tới cộng đồng trong nước và quốc tế.
Trong giai đoạn 2019-2022, vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng trên thế giới, Thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh trên thế giới. Giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm ngoái tăng hơn 11% so với năm trước (từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD), đưa Việt Nam lên vị trí thứ 32 trong top 100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết: Brand Finance – tổ chức định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh – đánh giá Việt Nam rất tích cực trong xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu. Trong Bảng đánh giá top 100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finance, thương hiệu Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên của bảng xếp hạng, và có mức tăng hạng đều qua các năm: "Nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang và khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới: Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm ngoái, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đạt trên đạt 36,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia VN chiếm trên 60% số lượng doanh nghiệp lọt vào TOP 10".
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003, đến nay đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Ông Vũ Xuân Trường, Giảng viên Trường Đại học Thương mại, chuyên gia thương hiệu, cho rằng: "Doanh nghiệp Việt Nam đã có những sự thay đổi khá mạnh mẽ, từ giai đoạn đầu tiên, tức là xây dựng và quản trị một thương hiệu để nhận biết. Sau này, chuyển sang một giai đoạn thứ hai. Đó là xây dựng một thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam thì chúng ta đã biết quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh của sản phẩm và dịch vụ, từ đó thì gắn chặt với hình ảnh của thương hiệu cũng như là thương hiệu đó. Đến nay, sự nhận thức này đã đạt được một mức độ khá cao".
Xây dựng Thương hiệu quốc gia mạnh góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh, đồng thời cũng là quảng bá hình ảnh đất nước, truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế.