Nông sản Việt Nam tận dụng lợi thế từ sàn giao dịch điện tử

Thu Trang - Nguyên Long
Chia sẻ
(VOV5) - Thời gian gần đây, khi mà việc đi lại để giao dịch giữa các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam với các đối tác nước ngoài gặp khó vì còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu thì việc giao thương trực tuyến (online) lại được xem như một giải pháp để thay thế.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đây được coi là giải pháp tối ưu và cần được nhân rộng cho ngành hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh.

Kể từ 0h00 ngày 14/5, vải thiều Thanh Hà đã được mở bán trong “Gian hàng tỉnh Hải Dương trong khuôn khổ Chương trình Cấp Quốc gia về xúc tiến tương mại” trên nền tảng thương mại điện tử Lazada với giá ưu đãi cùng chính sách hỗ trợ giao hàng hấp dẫn. Trong đó, Lazada là đơn vị đầu tiên chính thức đưa vải thiều Thanh Hà lên nền tảng thương mại điện tử.

Nông sản Việt Nam tận dụng lợi thế từ sàn giao dịch điện tử - ảnh 1Vải thiều Thanh Hà được mở bán trên nền tảng thương mại điện tử Lazada. Ảnh: moit.gov.vn

Ông Phạm Văn Giang, Tổ trưởng Tổ trồng vải theo tiêu chuẩn Quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam (VietGap) xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, cho biết: "Được đưa lên sàn là những sản phẩm của mình phải thật tin tưởng, đáng tin cậy. Tem truy xuất rồi dư lượng, nguồn gốc của thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc hữu cơ đều phải dựa trên tem truy xuất nguồn gốc, như vậy đưa lên sàn mới hiệu quả được."

Năm nay, sản lượng vải của Hải Dương dự kiến đạt 55.000 tấn; trong đó riêng sản lượng vải của huyện Thanh Hà ước đạt khoảng 40.000 tấn. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Hải Dương đã sớm xây dựng kế hoạch đưa quả vải lên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn… 

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, nhận định việc tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm nông sản Hải Dương trong đó có quả vải lên sàn thương mại điện tử là rất cần thiết và phù hợp với xu thế thương mại hiện nay. "Hải Dương đã có rất nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản, trong đó giải pháp tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử chúng tôi đánh giá rất cao. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục phối hợp để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm vải trên  sàn thương mại điện tử và tới đây chúng tôi tiếp tục phối hợp để đưa 1 số sản phẩm tiêu biểu khác lên sàn thương mại điện tử."

Nông sản Việt Nam tận dụng lợi thế từ sàn giao dịch điện tử - ảnh 2Bấm nút khởi động chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: VOV

Cùng với Lazada, Amazon global Selling, Nền tảng thương mại điện tử toàn cầu lớn nhất thế giới, cũng đang mở rộng hợp tác, chung tay hỗ trợ doanh nghiệp nông sản Việt Nam phát triển thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong đó, trọng tâm là chương trình “Kỷ nguyên bứt phát – Hàng Việt vươn xa” nhằm tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam và hàng hóa xuất xứ Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương, cho rằng: "Dịch covid đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất và phân phối đều đã và đang thay đổi chiến lược kinh doanh phát triển trên nền tảng số, không chỉ trong Việt Nam mà còn vươn ra toàn cầu. Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới cao nhất toàn cầu, với 3,7%. Thúc đẩy hoạt động này phát triển mạnh mẽ hơn không chỉ cần những chủ trương, chính sách tốt mà cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp và cả những nền tảng thương mại điện tử toàn cầu uy tín như Amazon."

Trước quả vải, nhiều loại nông sản của Việt Nam như gạo, chè, cà phê, hồ tiêu… đã đến tay người tiêu dung thông qua các sàn giao dịch điện tử.

Ông Hoàng Xuân Trường, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho biết: "Sàn giao dịch thương mai điện tử nông sản có ý nghĩa trong việc phát triển nông nghiệp ở nước ta, đặc biệt là nguời nông dân và người tiêu dùng lâu nay chưa gặp nhau, chưa tìm được nắm được thông tin của nhau. Qua đây thì, nhiều khách hàng biết được các sản phẩm của các vùng quê đang triển khai, đặc biệt là chương trình nông thôn mới, ocop, nhiều nước trên thế giới đều có thể biết được những sản phẩm an toàn ở Việt Nam để họ tìm cơ hội liên kết liên doanh đầu tư."

Ông Vũ Chiến Chính, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Kim cương Việt chuyên sản xuất trà chiết xuất từ nấm, linh chi, cho rằng: Qua sàn thương mại điện tử về nông sản có thể cho phép người mua người bán kết nối, giao dịch trực tiếp với nhau dễ dàng và an toàn: "Chúng tôi tham gia sàn giao dịch điện tử bởi vì chúng tôi kì vọng tăng được hiệu quả, tính kinh tế sản phẩm đầu ra của chúng tôi. Chúng tôi muốn đa dạng kênh phân phối, mở rộng kênh bán hàng của mình, khác biệt so với những kênh truyền thống mà chúng tôi vẫn làm. Lớn nhât là cắt giảm được chi phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay từ ban đầu, có thể tiếp cận được với rất nhiều khách hàng không chỉ trong nội địa mà còn khách hàng nuớc ngoài cũng như thị trường quốc tế."

Dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm hàng ngày. Chính vì vậy, các sàn giao dịch thương mại điện tử nông sản sẽ là trung gian giao dịch giúp người bán nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường với những thông tin minh bạch, giúp cho người mua tìm kiếm, tiếp cận nhà cung cấp, sản phẩm thực phẩm sạch nhanh hơn với chi phí tiết kiệm hơn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu