Chính nhờ việc coi trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng đầu tư, ứng dụng công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của nhiều thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện để nông sản Việt xuất khẩu vào các thị trường, cho giá trị gia tăng cao.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong thời gian qua đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận hàng nông sản nhằm giảm ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới đường bộ. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đã tận dụng được các tuyến đường biển, đường sắt.
Sơ chế vải thiều xuất khẩu tại HTX sản xuất và thương mại Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Tuấn Anh/ kinhtedothi.vn |
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết: “Bộ Công thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại thí điểm triển khai xây dựng Bản đồ về nông sản Việt Nam, hiện tại đang trong quá trình triển khai. Với việc hình thành được Bản đồ nông sản Việt Nam, sẽ là một thông tin chính thức của chúng ta giới thiệu cho khách hàng tiềm năng sản phẩm nông sản của từng địa phương. Và thông qua môi trường mạng thì hoàn toàn có thể sẽ kết nối trực tiếp tới từng địa phương hoặc từng hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất các mặt hàng nông sản.”
Xác định tiềm năng xuất khẩu nông sản vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là rất lớn, vì thế, Bộ Công Thương đã huy động hệ thống Thương vụ nhằm giúp đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Bên cạnh những thị trường tiêu thụ chủ lực các mặt hàng nông sản, hệ thống Thương vụ ở khu vực Mỹ La Tinh, Trung Đông, Đông Bắc Á… cũng đã được huy động để tham gia tìm kiếm thị trường và hỗ trợ, giúp doanh nghiệp, địa phương kết nối.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Một trong những biện pháp hết sức hiệu quả vừa qua chúng ta áp dụng kỹ thuật số cũng như thương mại điện tử, bán hàng online. Chúng ta đã kết nối với rất nhiều “người khổng lồ”, ví dụ như Amazon Global Selling Bộ Công thương đã ký hợp tác và kết nối, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm… thì tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải tăng cường các biện pháp này.. Vừa qua do dịch bệnh chúng ta bắt buộc phải tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu online, nhưng kể cả khi hết dịch thì chắc chắn đây cũng là xu hướng chúng ta cần tuân theo.”
Bộ Công Thương cũng vừa cho ra mắt Cổng thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR) nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về tăng cường minh bạch hóa chính sách, tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin về chính sách thương mại của các nước trong khu vực, từ đó chủ động xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng được coi là kênh thông tin về hoạt động thương mại nói chung, trong đó có xuất nhập khẩu nông sản.