Ninh Thuận hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

CTV
Chia sẻ
(VOV5) - Song song với việc đầu tư hạ tầng giao thông, tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng và phát triển đô thị theo hướng hiện đại, môi trường sống xanh, bền vững.

Nghe âm thanh bài tại đây:

 Với tư duy giao thông là mạch máu của nền kinh tế, giao thông đi trước mở đường, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại tỉnh Ninh Thuận đang được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, tăng tính kết nối, đa mục tiêu. Qua đó, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước và các công trình văn hóa - xã hội thiết yếu được triển khai đầu tư, trong đó có một số dự án quy mô lớn đã hoàn thành.

Ninh Thuận hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại - ảnh 1Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Báo Ninh Thuận

Tháng 4 năm nay, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo được đưa vào sử dụng. Đây là dự án giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận với tổng chiều dài 78,5 km; trong đó, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận dài hơn 63 km với thiết kế 4 làn xe. Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương, cũng như sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tỉnh Ninh Thuận cũng tập trung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo cho giao thông đi trước mở đường. Tỉnh cũng dùng nguồn lực tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối từ đường ven biển quốc lộ 1 đến cao tốc để tạo ra giao thông liên thông”

Đến cuối năm 2023, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng mới hơn 370 km đường giao thông tuyến tỉnh, liên huyện; 105,8 km tuyến đường ven biển từ biển Bình Tiên đến biển Cà Ná, góp phần hoàn thành cơ bản về cơ sở hạ tầng giao thông. Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, kết nối ba tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận - Khánh Hòa. 

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận, nêu rõ: “Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự chung tay, phối hợp của các Sở, ngành địa phương, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cũng đã tập trung nguồn lực triển khai các dự án đầu tư. Dự kiến các dự án hoàn thành trong năm 2025.”

Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã kết nối thông suốt đến tất cả các thôn, xã. Các tuyến đường ven biển, quốc lộ 1, quốc lộ 27 cùng với đường nối Tân Sơn – Tà Năng và cao tốc Bắc Nam qua địa bàn tỉnh sau khi đưa vào sử dụng sẽ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm giao lưu kinh tế với vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Đông Nam Bộ.

Về đường hàng không, Thủ tướng Chính phủ đã đưa Cảng hàng không Thành Sơn vào danh mục Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này giúp Ninh Thuận hoàn chỉnh 5 phương thức vận tải gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa và đường hàng không, mở ra động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh cho địa phương.

Song song với việc đầu tư hạ tầng giao thông, tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng và phát triển đô thị theo hướng hiện đại, môi trường sống xanh, bền vững, có đầy đủ tiện ích, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ông Nguyễn Như Nguyên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Đối với các lĩnh vực về phát triển đô thị, trên cơ sở của quy hoạch đã được phê duyệt, công tác kêu gọi đầu tư, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh cũng được tập trung và triển khai kêu gọi đầu tư. Chúng tôi tham mưu cho Tỉnh ban hành thực hiện 6 dự án đầu tư khu đô thị và khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần vào việc hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong thời gian qua một cách có hiệu quả.”

Để phát triển kinh tế đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là tại các khu đô thị mới từng bước được Ninh Thuận đầu tư, hoàn thiện theo hướng hiện đại hoá, đồng bộ, hình thức đầu tư đa dạng. Nhiều công trình tuyến chính ra vào thành phố, các trục giao thông hướng tâm được đầu tư xây dựng. Đến năm 2023, toàn tỉnh có 290 tuyến đô thị với tổng chiều dài 339,3 km.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhấn mạnh:“Về phát triển kinh tế đô thị, tỉnh Ninh Thuận có định hướng rõ ràng. Cụ thể. UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động và kế hoạch thực hiện với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, rõ ràng. Qua đó, ưu tiên tập trung đầu tư để xây dựng và phát triển thành phố Phan Rang- Tháp Chàm trở thành đô thị xanh, hiện đại, thông minh, đô thị du lịch, dịch vụ sinh thái, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của đô thị loại II, và là một trong những đô thị trọng tâm liên kết vùng và khu vực.”

Ninh Thuận hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại - ảnh 2Một góc Khu công nghiệp Du Long (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Báo Ninh Thuận

Kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp Ninh Thuận cũng được triển khai, ngày càng hoàn thiện. Đến nay, đã hình thành 04 khu công nghiệp và 04 cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 1.870 ha. Hạ tầng thương mại được chú trọng phát triển, mạng lưới kinh doanh ngày càng mở rộng với nhiều phương thức kinh doanh văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

32 năm qua, từ một tỉnh mới tái lập còn khó khăn, đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực; trong đó kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư ngày càng đồng bộ, tạo đà cho sự phát triển đi lên của tỉnh trong tương lai.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu