Những chuyển biến trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Quảng Ninh

Lê Minh
Chia sẻ
(VOV5) - Phương châm coi trọng cải tiến toàn diện môi trường đầu tư, từ tư duy, cách tiếp cận, tổ chức xúc tiến đầu tư, đến chính sách ưu đãi thu hút đã góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Quảng Ninh. Tiềm năng, lợi thế của một tỉnh ven biển cũng là một lợi thế để Quảng Ninh tạo nền tảng và sức bật mới trong thu hút đầu tư nước ngoài.

(VOV5) - Phương châm coi trọng cải tiến toàn diện môi trường đầu tư, từ tư duy, cách tiếp cận, tổ chức xúc tiến đầu tư, đến chính sách ưu đãi thu hút đã góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Quảng Ninh. Tiềm năng, lợi thế của một tỉnh ven biển cũng là một lợi thế để Quảng Ninh tạo nền tảng và sức bật mới trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Những chuyển biến trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Quảng Ninh - ảnh 1
Giai đoạn I của dự án Nhà máy sợi của Tập đoàn Texhong tại KCN Hải Yên (TP Móng Cái) đã hoàn thành và chính thức đi vào sản xuất. Ảnh: Internet



Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Nằm ở vùng Đông Bắc của Việt nam, Quảng Ninh được xem như một nước Việt nam thu nhỏ. Quảng Ninh có hệ thống hạ tầng giao thông thủy bộ thuận tiện, có cảng nước sâu với bờ biển dài khoảng 250km và trên 118 km đường biên giới quốc tế tiếp giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và ba cửa khẩu quốc tế. Đây là những điều kiện lý tưởng để thu hút đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, Quảng Ninh cũng đã tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư với nhiều chính sách cởi mở như: quảng bá rộng rãi hình ảnh tiềm năng, thế mạnh của Quảng Ninh, trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư, thực hiện các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thuê đất, thuế doanh thu và đẩy mạnh cải cách hành chính… tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Ông Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Tỉnh đã thành lập ra cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư( IPA) để đảm bảo việc thực hiện “Một cửa” giải quyết các thủ tục đầu tư một cách công khai, minh bạch, nhanh nhất, đảm bảo rút ngắn thời gian cho các nhà đầu tư. Cơ quan này tập trung được sự chỉ đạo các Sở, ban, ngành  tham gia vào công tác vận động hỗ trợ đầu tư, đảm bảo việc liên kết, liên thông tốt hơn nữa phối hợp giữa các Sở, ban, ngành với các chủ đầu tư. Không chỉ cải cách thủ tục hành chính, mà ỉnh còn hoàn thiện hơn nữa về môi trường đầu tư, chủ động hơn trong khâu giải phóng mặt bằng, làm tốt công tác quy hoạch.”

Với những chủ trương chính sách tích cực đó, Quảng Ninh đã và đang tạo ra một sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư. Trung bình mỗi năm, tỉnh đã đón tiếp và làm việc với khoảng 50 lượt nhà đầu tư, trong đó nhiều nhà đầu tư từ: Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Trung Đông, Nhật Bản, Mỹ... Đến nay, tỉnh có 93 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 4 tỷ USD. Riêng năm 2012, mặc dù chịu tác động của tình hình kinh tế thế giới khó khăn, nhưng Quảng Ninh vẫn thu hút vốn FDI đạt hơn 411 triệu USD và tính đến quý II năm 2013, Quảng Ninh đã thu hút mới 4 dự án FDI với tổng số vốn gần 77 triệu USD. Tình hình sẽ khả quan hơn nếu hàng loạt dự án lớn như: dự án sân bay Vân Đồn, Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp Vân Đồn, cầu Bạch Đằng... với sự tham gia của các tên tuổi lớn như Joinus, Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc, Genting (Malaysia), SE (Nhật Bản) được thực hiện thời gian tới. Để chủ động trong thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thực hiện quy hoạch hệ thống các các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tính tới thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã có 3 khu kinh tế và 11 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế không chỉ tạo điều kiện thu hút đầu tư, mà còn thực hiện vai trò dẫn dắt, tạo sức lôi kéo và lan tỏa phát triển kinh tế khu vực xung quanh. Ông Phùng Danh Đài, Trưởng Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Ban quản lý khu kinh tế tiếp tục tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế. Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất đó là triển khai các quy hoạch, trong đó triển khai quy hoạch các khu kinh tế cửa khẩu, quy hoạch phân khu chức năng của khu kinh tế Vân Đồn và quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp để trên cơ sở quy hoạch này sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp'.

Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Quảng Ninh sẽ tập  trung mục tiêu trở thành một trung tâm phát triển ra biển, một trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại. Chính vì vậy, trong danh mục 32 dự án mà Quảng Ninh thu hút đầu tư trong năm 2013 và giai đoạn 2013 - 2015, có nhiều dự án liên quan đến biển, như: Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp, vốn đầu tư 4 tỷ USD… cùng nhiều dự án du du lịch khác trị giá hàng trăm triệu USD như dự án du lịch sinh thái Vân Đồn; Quần thể sân golf, khách sạn cao cấp 5 sao Vân Đồn... Bên cạnh đó tỉnh còn kêu gọi đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp tiêu biểu như: Dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng cảng biển Hải Hà, vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD; Dự án Xây dựng Khu công nghiệp và dịch vụ đầm Nhà Mạc, vốn đầu tư 2-3 tỷ USD; Dự án Khu phi thuế quan, Khu công nghiệp sạch ở Vân Đồn, vốn đầu tư 1,3 - 1,5 tỷ USD.

Với sự phát triển nhanh chóng trên cơ sở tầm nhìn lâu dài, tỉnh Quảng Ninh đang tự tin vươn dậy với tầm vóc mới, trở thành trung tâm kinh tế quan trọng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trong xu thế đó, việc tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài có ý nghĩa quan trọng để Quảng Ninh biến những khát vọng phát triển thành hiện thực bền vững./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu