Kinh tế Việt Nam - Indonesia vững vàng trước cơn gió ngược toàn cầu

Phạm Hà/VOV-Jakarta
Chia sẻ
(VOV5) -  Indonesia trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại ASEAN trong năm 2023. 

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức từ dịch bệnh Covid-19 đến cạnh tranh địa chính trị gia tăng khu vực, hợp tác kinh tế Việt Nam-Indonesia được coi là điểm sáng với những con số tăng trưởng ấn tượng, vững vàng vượt cơn gió ngược của kinh tế toàn cầu.

Nghe âm thanh bài viết:
Liên tục vượt các cột mốc

Bên cạnh quan hệ chính trị hết sức tốt đẹp luôn được duy trì và vun đắp trên cơ sở truyền thống hữu nghị đã được thử thách qua thời gian, trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi hai nước bước vào giai đoạn phục hồi sau Covid-19, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước đạt mức tăng trưởng ấn tượng, liên tục vượt qua các cột mốc mới và theo hướng cân bằng hơn. Kim ngạch thương mại song phương tăng từ 8,20 tỷ USD năm 2020 lên 14,17 tỷ USD năm 2022. Indonesia trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại ASEAN trong năm 2023. Lĩnh vực đầu tư có nhiều khởi sắc.

Tính đến hết tháng 11 năm 2023, tổng vốn đầu tư của Indonesia vào Việt Nam đạt 651,21 triệu USD, với 120 dự án còn hiệu lực (tăng thêm 2 dự án với số vốn tăng thêm 4,71 triệu USD trong năm 2023) và xếp thứ 29/143 và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn, công ty của Indonesia đang đầu tư và kinh doanh thành công tại Việt Nam như: Ciputra, Traveloka, Gojek, PT Vietmindo Energitama, Jafpa Comfeed Vietnam, Semen Indonesia Group…

Kinh tế Việt Nam - Indonesia vững vàng trước cơn gió ngược toàn cầu - ảnh 1Hội thảo giao thương Việt Nam-Indonesia tại Jakarta

Chủ tịch Tập đoàn Ciputra Budiarsa Sastrawinata đánh giá về cơ hội và hợp tác đầu tư với Việt Nam trong thời gian tới: "Hiện Việt Nam có nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư. Việt Nam có dân số khá lớn trong ASEAN. Việt Nam cũng có nền kinh tế phát triển ổn định đặc biệt trong thời gian gần đây trở thành những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN. Đó là những điều kiện mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong muốn. Hiện Ciputra cũng đã xem xét các dự án hợp tác đầu tư mới tại Việt Nam”.

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đã có mặt tại Indonesia như: FPT, Điện máy xanh... và các doanh nghiệp khác cũng đang hoàn thiện thủ tục đầu tư tại Indonesia như Taxi Xanh (Vingroup), Tập đoàn Việt Thái, Thái Bình Shoes, Cổ phần Thuận Hải… Đáng chú ý hơn cả là dự án của Vinfast Global với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 1,2 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Indonesia với quy mô 50.000 xe mỗi năm, dự kiến động thổ trong quý I/2024 và hoàn thành vào năm 2026.

Với tiềm năng và thế mạnh, lãnh đạo hai nước đã nhất trí đưa thương mại hai chiều đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào 2028. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông hoàn toàn lạc quan vào mục tiêu này.

“Mục tiêu này được đặt ra dựa trên quyết tâm của chính phủ hai nước và tiềm năng của hai bên. Dân số hai nước chiếm 60% dân số ASEAN với tổng cộng gần 400 triệu dân. Hai nước cùng là thành viên của Khu vực Thương mại tự do AFTA và RCEP do đó có nhiều lợi thế để tăng thương mại hai chiều. Trong bối cảnh kinh tế thương mại toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thương mại hai nước tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng gân 10% năm. Do đó, khả năng đạt mục tiêu 15 tỷ đô USD là triển vọng rất thực tế trong vài năm tới”, đại sứ Tạ Văn Thông đánh giá.

Phó chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) Shinta Widjaja Kamdani cũng nhận định: “Con số thực tế vẫn rất thấp so với tiềm năng của hai nước. Tôi tin tưởng rằng mục tiêu kim ngạch song phương 15 tỷ USD vào năm 2028 là hoàn toàn có thể đạt được. Mặc dù vậy vẫn còn rất nhiều việc hai bên phải làm để tối ưu hóa thương mại song phương, nhất là khi cả hai nước đều là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, vấn đề tăng cường vốn đầu tư còn rất nhỏ dù có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước. Do đó, Chính phủ hai bên cần tiếp tục kết nối, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp hai nước”.

Để tăng cường thương mại hai chiều, Indoensia và Việt Nam đang phối hợp sớm họp Ủy ban hỗn hợp Kinh tế Thương mại lần thứ 8 nhằm đưa ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại.

Khai phá lĩnh vực hợp tác mới

Hiện nay, một trong những xu thế nổi bật trên thế giới là tăng cường hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong quá trình triển khai thực hiện các cam kết quốc tế, hai nước có thể hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, lưu trữ carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, phát triển kinh tế xanh bền vững... Ông Arsjad Rasjid - Cựu Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) cho rằng, lĩnh vực năng lượng xanh, cụ thể là xe điện là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước.

"Việt Nam đang thúc đẩy sản xuất xe điện. Tại sao chúng ta không hợp tác với nhau về để tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong vấn đề sản xuất pin, các linh phụ kiện... Indonesia cũng có nhiều lĩnh vực có thể mời gọi Việt Nam hợp tác. Tôi tin rằng có cơ hội thúc đẩy giá trị sức mạnh tổng hợp trong khuôn khổ ASEAN để khối trở nên mạnh mẽ hơn", ông Arsjad Rasjid nói.

  
Kinh tế Việt Nam - Indonesia vững vàng trước cơn gió ngược toàn cầu - ảnh 2Arsjad Rasjid - Cựu Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) đánh giá xe điện là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh lương thực đang trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia, đặc biệt với những nước có dân số đông như Indonesia và Việt Nam. Cả hai nước đều có truyền thống, thế mạnh về nền sản xuất lâu đời và nguồn tài nguyên cho nông nghiệp và nghề cá, có thể bổ sung cho nhau, tạo nên chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Hai bên cần nỗ lực phát huy các cơ chế hiện có trong ASEAN, đồng thời nghiên cứu ký kết thỏa thuận hợp tác nông nghiệp mới, từ đó, đưa ra các dự án hợp tác cụ thể để phát triển sinh kế cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế của mỗi nước.

Về mặt hàng gạo, Việt Nam luôn nằm trong top 3 các nước cung cấp gạo cho thị trường Indonesia. Tính đến tháng 11/2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia hơn 1,1 triệu tấn gạo, trị giá hơn 600 triệu USD. Về thủy sản và nghề cá, hai bên tiếp tục thúc đẩy các trao đổi gần đây về các nhóm hàng như tôm hùm, cá ngừ, rong biển, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và ngư dân hai nước để phát triển nghề cá một cách bền vững.

Du lịch cũng là lĩnh vực đầy tiềm năng để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước dựa trên cảnh quan thiên nhiên và nền kinh tế du lịch đang trên đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc khôi phục các đường bay trực tiếp sau thời gian gián đoạn, năm 2023 Vietjet đã mở thêm các đường bay mới TP.Hồ Chí Minh - Jakarta và Hà Nội - Jakarta. Đây là điều kiện thuận lợi để trong thời gian tới hai bên có thể hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, kết nối các điểm đến, đồng thời cải tiến, sáng tạo các sản phẩm du lịch mới theo hướng xanh, bền vững.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 đầy thách thức và khó lường, việc cả Việt Nam và Indonesia đều duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng và quan hệ kinh tế song phương phát triển mạnh mẽ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với bản thân mỗi nước mà còn góp phần nâng cao tính tự cường về mặt kinh tế của khối ASEAN nói chung để đứng vững trước các biến động và tác động không thuận bên ngoài. Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới Việt Nam từ ngày 11-13/01 được đánh giá là xung lực để nâng mối quan hệ lên một tầm cao mới trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác kinh tế thương mại song phương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu