Kinh tế Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn ODA

Cẩm Tú
Chia sẻ
(VOV5) -  Để nền kinh tế giảm dần phụ thuộc vào nguồn vốn ODA, Chính phủ đã đề ra các giải pháp để thích nghi với giai đoạn “hậu ODA”, nhất là khi Việt Nam đang cần tới khoảng 90 tỷ USD mỗi năm để phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016-2020.
(VOV5) -  Để nền kinh tế giảm dần phụ thuộc vào nguồn vốn ODA, Chính phủ đã đề ra các giải pháp để thích nghi với giai đoạn “hậu ODA”, nhất là khi Việt Nam đang cần tới khoảng 90 tỷ USD mỗi năm để phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016-2020.


Việt Nam đã gặt hái thành công khi thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các nhà tài trợ. Từ một nước nghèo, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Đây là một thành công lớn nhưng cũng đặt ra thách thức trong tương lai không xa khi Việt Nam sẽ giảm dần sự phục thuộc vào nguồn ODA và tự lực để phát triển, xây dựng đất nước.

Kinh tế Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn ODA - ảnh 1
Vốn ODA đã góp phần tạo cho nền kinh tế Việt Nam một diện mạo mới. Ảnh minh họa: Internet




Nghe âm thanh bài viết tại đây:





Với thời hạn cho vay kéo dài hàng chục năm và mức lãi suất ưu đãi, nguồn vốn ODA thực sự đã góp phần tạo cho nền kinh tế Việt Nam một diện mạo mới. Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ qua, nguồn vốn ODA được đầu tư tập trung cho các lĩnh vực trọng điểm như: giao thông, năng lượng điện, nông, lâm nghiệp - thủy sản, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ, cải cách kinh tế… Tuy nhiên, theo công bố mới đây của Bộ Tài chính, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình nên mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Cùng với đó, đến tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng sẽ chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam và Việt Nam phải chuyển sang sử dụng nguồn vay kém ưu đãi, tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Sau Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho biết, theo kế hoạch, kể từ 1/1/2019, Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ ngừng một phần ưu đãi gói viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, cho biết: “Quyết định ngừng vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển Châu Á cho Việt Nam sẽ dựa trên đánh giá về vị thế của Việt Nam đang ở đâu và triển vọng của Việt Nam sẽ thế nào. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là vào một thời điểm nào đó, Việt Nam cũng sẽ không được vay vốn ưu đãi từ Quỹ phát triển Châu Á”.

ODA được coi như một nguồn lực  đối với sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, cho biết khi một quốc gia chuyển dịch từ nước có thu nhập thấp sang nước thu nhập trung bình, các điều khoản và lãi suất mà họ nhận được từ các nguồn ODDA sẽ thay đổi. Thông thường, chính sách ODA cho nước đó sẽ chuyển từ hỗ trợ phát triển sang quan hệ đối tác. Nhiều lĩnh vực chủ chốt của quốc gia dự kiến sẽ không còn được vay vốn ODA nữa, trong đó có ngành giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo: “Nếu như trước đây, trong giai đoạn trước 2010, khoản vốn vay thường 30-40 năm thì trong giai đoạn như hiện nay chỉ còn 20-25 năm và đối với nhiều nhà tài trợ có khi chỉ còn 10 năm. Bây giờ thời gian vay thì ngắn hơn, chi phí vốn để có các khoản vay ODA cũng ở mức 2% - đắt hơn rất nhiều. Về lâu dài, đối với những lĩnh vực có khả năng xã hội hóa hay hoàn vốn trực tiếp của dự án thì sẽ phải chuyển sang cơ chế thị trường. Phải đi vay vốn thương mại thì đương nhiên là các dự án đầu tư mà không thuộc trách nhiệm của ngân sách nhà nước phải cấp phát nữa thì chúng ta phải huy động vốn từ thương mại”.

Nếu không có nguồn vốn ODA, Việt Nam sẽ thiếu vốn để giải quyết những nhu cầu cấp bách của nền kinh tế. Tuy nhiên khi chất lượng của nền kinh tế được cải thiện, Việt Nam sẽ được các hãng xếp hạng tín nhiệm nâng bậc xếp hạng, từ đó có thể tiếp cận các khoản vay quốc tế với mức lãi suất thấp hơn. Là nước đang có mức thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ có năng lực tài chính tốt hơn, có năng lực tiếp cận thị trường quốc tế nhiều hơn, điều khoản về lãi suất cũng sẽ thay đổi. Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng, vẫn có thể nhìn thấy mặt tích cực khi Việt Nam không còn quá phụ thuộc vào ODA nữa, bởi vay thương mại, lãi suất cao, áp lực trả nợ lớn, buộc người đi vay phải có những tính toán để sử dụng nguồn vốn vay sao cho hiệu quả nhất: “Về cơ bản, muốn nâng cao hiệu quả sử dụng vốn thì phải gắn trách nhiệm sử dụng vốn với một đơn vị hoặc một cá nhân nào đó. Vừa rồi, Chính phủ dự định nguồn vốn ODA sẽ về cho vay lại chứ không mang tính cấp phát như trước. Địa phương như vậy sẽ phải tính nếu như những nguồn vốn đấy có thể mang lại hiệu quả từ việc thu phí, thu thuế để có thể trả nợ được thì họ có thể sẽ vay, còn nếu như dự án mà không hiệu quả, không thể trả nợ thì sẽ vay ít hơn”.

Để nền kinh tế giảm dần phụ thuộc vào nguồn vốn ODA, Chính phủ đã đề ra các giải pháp để thích nghi với giai đoạn “hậu ODA”, nhất là khi Việt Nam đang cần tới khoảng 90 tỷ USD mỗi năm để phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016-2020. Biện pháp cấp thiết là phải tái cơ cấu ngân sách nhà nước, tính toán lại thu chi để đảm bảo mức thâm hụt hợp lý, giảm nợ công xuống mức vừa phải. Trong ngắn hạn, Chính phủ Việt Nam sẽ tái cấu trúc dòng vốn ODA, xác định lĩnh vực, ngành trọng tâm ưu tiên dùng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để hỗ trợ thực hiện các ưu tiên phát triển, các đột phá chiến lược.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu