Kinh tế năm 2013: không nên quá tham tăng trưởng

Chia sẻ
Kinh tế thế giới khó khăn còn dài, đã và sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam, nhất là về thương mại và đầu tư.

Kinh tế thế giới khó khăn còn dài, đã và sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam, nhất là về thương mại và đầu tư.

Kinh tế năm 2013: không nên quá tham tăng trưởng  - ảnh 1


Công nhân đang sản xuất tại nhà máy của Công TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng


Bộ Kế hoạch & Đầu tư thay mặt Chính phủ vừa trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 2012 và định hướng 2013. Báo cáo này sẽ được trình ra kỳ họp Quốc hội dự kiến khai mạc 22/10 tới.

Theo đó, Bộ này dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP tăng khoảng 5,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt khoảng 124,3 tỷ USD, tăng 10% so với 2012, trong đó nhập siêu tương đương khoảng 8% kim ngạch xuất khẩu. Bội chi ngân sách khoảng 4,8% GDP và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng giữ ở mức 7 - 8%.

Không thể tăng trưởng cao

Tuy nhiên, đưa ra tính toán của mình về tăng trưởng cho năm 2013, TS Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 ở mức 4%-4,5%”.

Từ thực tế này, TS Trần Đình Thiên và các cộng sự, đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP cho năm 2013 chỉ có thể đạt được là từ 4% đến 5% trong điều kiện tăng trưởng về các yếu tố của tổng cầu vẫn được bảo đảm và hiệu quả đầu tư không thay đổi so với năm 2012. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong năm 2013 và các năm tiếp theo, vốn đầu tư có còn tiếp tục duy trì được mức độ tăng trưởng như năm 2012 không (đặc biệt là vốn đầu tư của khu vực Nhà nước)? Một điểm chú ý là khi đầu tư công của nửa cuối năm 2012 như đập phá và xây dựng trụ sở mới của các cơ quan Nhà nước, mua sắm xe cộ, đào và lát lại vỉa hè lòng đường có thể sẽ làm trực tiếp tăng GDP của chính năm đó (2012) nhưng cách thực hiện vốn đầu tư kiểu này không hề lan toả cho các năm sau, đầu tư công như vậy là không hiệu quả.


Kinh tế năm 2013: không nên quá tham tăng trưởng  - ảnh 2
Đầu tư vào việc đào hè đường, mua ô tô... không hề lan toả cho các năm sau,.


Thêm vào đó, hiện nay cả người tiêu dùng và nhà đầu tư đều khá thận trọng trong chi tiêu, dẫn tới khả năng mở rộng sản xuất sẽ rất khó. Như vậy có thể thấy nền kinh tế hiện đang thực sự khó khăn cả ở phía cung lẫn phía cầu. Cung yếu làm suy giảm cầu và cầu suy giảm sẽ không kích thích được cung. Với tình hình như vậy, có thể việc tăng đầu tư công đang có nguy cơ đi ngược lại với mục đích ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Nhìn lại nền kinh tế những tháng qua, TS Trần Đình Thiên cho rằng, với một nền kinh tế đang “ốm yếu”, việc dư nợ tín dụng những tháng qua tăng thấp cho thấy một xu hướng bất bình thường đang diễn ra (không thể hấp thụ nổi vốn dù đang rất khát vốn). Hoạt động cho vay mới bắt đầu phục hồi từ tháng 7 và tháng 8, nhưng cũng rất yếu ớt. Nghĩa là quá trình “lưu thông máu” cho một cơ thể đang bị ốm nặng, đã bị đình trệ hầu như hoàn toàn trong suốt nửa năm. Nên lưu ý thêm rằng điều này diễn ra sau khi nền kinh tế đã trải qua gần suốt một năm 2011 bị “đói vốn”.

“Một nền kinh tế “nghiện nặng” vốn đầu tư mà bị cắt đứt khỏi dòng vốn – đó thực sự là một nguy cơ đe dọa” – TS Trần Đình Thiên nói.

Dự báo kinh tế thế giới và khu vực đều cho thấy năm 2012 là năm tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 5 năm qua đối với hầu hết các nền kinh tế và chỉ có khả năng khôi phục nhẹ trong năm 2013, nhưng trên tổng thể chưa thể trở về mức bình thường trước năm 2015. So với năm 2008/2009, các nền kinh tế trong khu vực đều có xu hướng giảm sút liên tiếp các năm 2010/2011 và lan sang cả năm 2012, để có bước khôi phục nhẹ vào năm 2013. “Sản xuất kinh doanh có nhúc nhích đi lên nhưng vẫn còn rất khó khăn” – TS Võ Trí Thành nói như vậy về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013.

Theo dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế thế giới hiện vẫn ở mức rủi ro cao có thể kéo dài tới năm 2017 (đáy của đợt khủng hoảng này là năm 2015). Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, chính vì vậy khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế không dễ chấm dứt trong vòng 6 tháng hay 1 năm tới.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái – Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chỉ ra rằng, các dự báo kinh tế nhìn chung điều chỉnh theo hướng xấu đi, thương mại giảm làm cho kinh tế khu vực Á châu cũng bị ảnh hưởng nặng. Với Việt Nam, kinh tế khó khăn còn dài đã và sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam, nhất là về thương mại và đầu tư.

Dồn sức cho ổn định vĩ mô

Năm 2013 được dự báo là tiếp tục khó khăn và nguy cơ lạm phát cao hơn 2012. Theo quan điểm của TS Trần Đình Thiên, thì không cần, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Mà Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên dồn sức cho nhiệm vụ tái lập ổn định vĩ mô. Phải dành nhiều nguồn lực cho các đột phá tái cơ cấu, không thể chỉ dành cho tăng trưởng như các năm trước. “Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 có thể và nên chỉ đặt ở mức 3-4% và cũng chỉ được coi là mục tiêu định hướng” – ông Thiên nhấn mạnh.

Ngay từ bây giờ, theo TS Trần Đình Thiên, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tập trung giải tỏa các “cục máu đông”: nợ xấu và tồn kho.

Với mục tiêu thâm hụt ngân sách như Bộ KHĐT đề ra 4,8%, theo TS Võ Trí Thành là khó thực hiện, vì chi thì vẫn vậy trong khi thu ngân sách 9 tháng mới đạt hơn 60%. Rủi ro lớn nhất là hệ thống tài chính hiện nay. Đến nay, NHNN phải thừa nhận tái cấu trúc NH cũng như xử lý các NH yếu kém, nợ xấu và thanh khoản khó hơn chúng ta tưởng rất rất nhiều. Nợ xấu đến giờ chưa có phương án quyết định. Có lẽ phải sang đầu năm 2013 mới có phương án chính thức. Xử lý nợ xấu cũng phải mất tới 3-4 năm, trong khi nợ xấu ngày càng tăng lên.

Cùng chung quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, tài khóa luôn có xu hướng mở rộng, bội chi gia tăng. Thu cao, chi nhiều. Nhưng khi thu giảm, không bền vững thì chi không thể giảm đột ngột được. “Ít khi chúng ta thảo luận có từng này tiền thì phải làm gì để hiệu quả, mà chủ yếu tập trung thảo luận tiền đang thiếu phải làm gì để huy động thêm. Chúng ta không có cái nhìn dài hạn, chỉ 1-3 năm là không ổn” – TS Nguyễn Đình Cung nói.

Một vấn đề nữa được nhiều người mong đợi là việc cứu các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong năm 2013 sẽ được thực hiện như thế nào. TS Võ Trí Thành khẳng định: “Chuyện cứu doanh nghiệp một cách đại trà là không có, vì chúng ta cần ổn định, cần tiền cho tái cấu trúc và vì đặc biệt nhất là chúng cần thay đổi cách sống, cách nghĩ, cách làm tiền và phát triển”./.

Vũ Hạnh/VOV online

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu