Hưng Yên xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP của tỉnh

Chia sẻ
(VOV5) - Thời gian tới, chương trình OCOP tiếp tục được tỉnh Hưng Yên triển khai mạnh mẽ, mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng.

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, các xã, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế, thương hiệu của từng địa phương, góp phần mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tính đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá, xếp hạng 228 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Những sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc... Có thể kể đến những sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng Hưng Yên như nhãn lồng, gà Đông Tảo, chuối tiêu hồng, nghệ Chí Tân, mộc Đại Tập, vải trứng, tương Bần….
Hưng Yên xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP của tỉnh - ảnh 1Nhãn lồng là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hưng Yên. Ảnh:congthuong.vn

Thực tế, nhiều sản phẩm đặc trưng của Hưng Yên trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống, khi tham gia chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi được công nhận sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đã tạo niềm tin đối với người tiêu dùng: "Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP là một chương trình rất ý nghĩa đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như doanh nghiệp của chúng tôi. Khi đưa sản phẩm ra thị trường, chúng tôi đã nhận được sự tin tưởng và đánh giá cao.

Để duy trì các sản phẩm OCOP, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến vấn đề chất lượng của sản phẩm cũng như mẫu mã, bao bì, trước khi đưa ra thị trường đến tay người tiêu dùng. Sau khi được công nhận OCOP đối với sản phẩm thịt gà, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều tín hiệu tích cực.

Hưng Yên xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP của tỉnh - ảnh 2Tính đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá, xếp hạng 228 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Ảnh: ocophungyen.vn 

Kể từ khi công ty có sản phẩm được công nhận OCOP thì sản phẩm bán rất chạy, nhất là từ đầu năm đến nay, công ty thường xuyên làm việc liên tục, đây là hiệu ứng từ các sản phẩm OCOP được công nhận. Thời gian tới, công ty tiếp tục duy trì phát triển, tăng số lượng công nhân, tăng cường chất lượng sản phẩm, công ty đã có trang mạng để quảng bá sản phẩm của mình.

Chương trình OCOP đã thổi một luồng gió mới vào tư duy và cách thức vận hành sản xuất của các doanh nghiệp, người sản xuất trên toàn tỉnh Hưng Yên. Không chỉ chú trọng vào chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp còn mong muốn đưa các sản phẩm thương hiệu của tỉnh vươn xa trên thị trường quốc tế.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tân Việt Hưng Thủ Đô, chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản, đặc sản Hưng Yên, chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn khi mỗi khách hàng sử dụng sản phẩm thì nhớ tới văn hóa phố Hiến, văn hóa của Hưng Yên. Bởi vì tất cả các sản phẩm đều là có nguyên liệu và là một phần đặc sản của Hưng Yên. Chúng tôi mong muốn gửi gắm tình cảm và văn hóa đặc trưng của Hưng Yên, đến không chỉ những khách hàng là người con Hưng Yên xa quê mà còn tới khách hàng khắp mọi nơi trong và ngoài nước."

Một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với OCOP đã được Hưng Yên quan tâm, chú trọng thời gian qua. Chủ động vùng nguyên liệu tại chỗ đã tạo nền tảng để nâng cao giá trị, thương hiệu của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Hưng Yên xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP của tỉnh - ảnh 3Sản phẩm OCOP Hưng Yên. Ảnh trang tin OCOP Hưng yên

Ông Hoàng Quang Đông, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu, đơn vị sản xuất sản phẩm bột nghệ, tinh bột nghệ cho biết: "Chúng tôi đang xây dựng diện tích đạt tiêu chuẩn dược liệu để làm nguyên liệu chính sản xuất ra những sản phẩm quan trọng, ví dụ viên thuốc nghệ Cucumin, để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu.."

Có được sự thành công từ Chương trình OCOP là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh. Tỉnh đã có nhiều chính sách đồng hành với các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh dành nguồn ngân sách lớn  hỗ trợ cho chủ thể sản xuất để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng các điểm giới hiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Hưng Yên và các huyện, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia “gian hàng trực tuyến” trên sàn giao dịch điện tử, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hưng Yên, khẳng định: "Chúng tôi kết nối giữa người sản xuất với các sản phẩm OCOP đến các trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ, siêu thị. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hỗ trợ những điểm giới thiệu sản phẩm và kiểm soát chất lượng sản phẩm, sao cho người tiêu dùng và người sản xuất gặp nhau, đảm bảo người tiêu dùng được hưởng sản phẩm chất lượng tương xứng với giá trị mà họ bỏ ra."

Cùng với kết nối, quảng bá sản phẩm, Hưng Yên còn có các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực phục vụ sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương...

Thời gian tới, chương trình OCOP tiếp tục được tỉnh Hưng Yên triển khai mạnh mẽ, mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng để phát triển nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh, góp phần phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh trong năm nay và những năm tiếp theo.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu