Hiệu quả của chương trình Điện khí hóa nông thôn

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5)- 15 năm qua, chương trình điện khí hóa nông thôn đã phát triển đáng ghi nhận với những kết quả khá ấn tượng. Đến hết năm 2013, cả nước có thêm hơn 9 triệu hộ dân nông thôn có điện, 98% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia. Nhờ có chương trình điện khí hóa mà bộ mặt nông thôn đã được khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống kinh tê, văn hóa tinh thân được nâng cao.

(VOV5)- 15 năm qua, chương trình điện khí hóa nông thôn đã phát triển đáng ghi nhận với những kết quả khá ấn tượng. Đến hết năm 2013, cả nước có thêm hơn 9 triệu hộ dân nông thôn có điện, 98% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia. Nhờ có chương trình điện khí hóa mà bộ mặt nông thôn đã được khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống kinh tê, văn hóa tinh thân được nâng cao.


Hiệu quả của chương trình Điện khí hóa nông thôn - ảnh 1

Chương trình phủ điện nông thôn có tác động rất tích cực đến sự phát triển của nông thôn


Những kết quả về đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong 15 năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là thành tích nổi bật của của Việt Nam trong lĩnh vực điện khí hóa nông thôn. Quá trình điện khí hoá đã đóng góp 30 - 40% vào việc phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn, nhất góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các hộ đồng bào dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển nông nghiệp, góp phần phát triển mạnh các ngành, nghề thủ công. Điện cũng góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng sa, vùng đồng bào các dân tộc… Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được cải thiện, nhiều công trình được đầu tư, xây dựng mới, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, điện, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế xã, chợ khu vực. Sự thành công của chương trình đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, là điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp từ năm 1998 đến năm 2013 tăng 6,6 lần, công nghiệp chế biến tăng 3,5 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8 lần.

 

Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, cho biết 15 năm qua, chương trình điện khí hóa nông thôn đã mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống cho người dân địa phương. Trước năm 2000, khi chưa có chương trình Hà tĩnh chỉ có 75% số xã và 76% số hộ dân được dùng điện lưới. Đến cuối năm ngoái đã có 100% số xã và 97% hộ dân được hưởng lợi qua chương trình điện khí hóa nông thôn. Ông Võ Kim Cự cho biết: “Nhờ điện khí hóa nông thôn đã thay đổi được tái cấu trúc kinh tế, chuyển dịch một cách rất cơ bản. Ví dụ Hà Tĩnh đến năm 2013 cơ cấu kinh tế công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thương mại chiếm 82%, nông nghiệp chỉ còn 18%. Quan trọng nhất là trong 18% này đã thay đổi được chất bên trong. Nhờ có điện khí hóa đã phát triển được chăn nuôi như nuôi tôm, nuôi bò, lợn nhất là chế biến sâu nông sản, hải sản, thủy sản...gắn kết giữa công nghiệp địa phương với nông nghiệp.”

 

Đến thời điểm này, chương trình điện khí hóa nông thôn đã phát triển vượt bậc cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, cấp điện đến khu vực nông thôn khó khăn, khu vực miền núi và hải đảo. Tính đến cuối năm 2013, đã có 98% hộ nông thôn có điện. Đây là thành tựu to lớn được nhiều tổ chức quốc tế và nhà tài trợ đánh giá cao, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Cùng với việc sử dụng các nguồn vốn cấp điện cho các xã, thôn bản, hộ dân chưa có điện trên đất liền, với mục tiêu đảm bảo an ninh biển đảo, một loạt các dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm đã được triển khai thực hiện, trong đó có Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô cung cấp điện cho hơn 1.600 hộ dân. Ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đánh giá thời gian qua, chương trình điện khí hóa nông thôn được thực hiện khá hiệu quả, với các dự án tại Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng biển đảo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ông Danh Út đề nghị: “Những vùng này tiềm năng còn rất lớn mà trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng vẫn còn tiềm năng. Vì vậy Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa để làm sao phát huy vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu như hệ thống có điện thì mọi chi phí trong sản xuất tiềm năng về lúa gạo ở nông thôn khá lớn nếu như có điện thì sẽ góp phần giảm chi phí và đẩy mạnh phát triển sản xuất, đặc biệt phát triển các làng nghề như đánh bắt thủy hải sản.”


Hiệu quả của chương trình Điện khí hóa nông thôn - ảnh 2 
Đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, trong điều kiện nguồn vốn khó khăn

Những kết quả về đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam được coi là điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất, phục vụ phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp. Hiện nay, cả nước vẫn còn 91 xã chưa có điện, 550 nghìn hộ gia đình chưa được sử dụng điện, đa số tập trung ở những địa bàn hết rất khó khăn, phần lớn ở khu vực biên giới, hải đảo... Vì vậy, nhằm hoàn thành mục tiêu từ nay đến năm 2020, 100% số xã và người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, Nhà nước sẽ tiếp tục đưa điện đến các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có điện, đồng thời, nâng cao năng lực cung cấp và đảm bảo chất lượng điện, phục vụ chuyển đổi, phát triển các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp. Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết: “Trong thời gian tới EVN sẽ tiếp tục tiếp nhận lưới điện nông thôn ở các xã còn lại để mục tiêu cuối cùng là cung ứng điện cho người dân tốt hơn. Ngoài ra EVN cũng đa dạng hóa mô hình quản lý vận hành khai thác các lưới điện nông thôn. Tin rằng với chủ trương đa dạng hóa để phục vụ phát triển thị trường điện lực tại Việt Nam thì việc nhiều tổ chức tham gia vào việc quản lý, cung ứng điện cho người dân sẽ giúp hoàn thành mục tiêu đã đề ra.”

 

Để mục tiêu điện khí hóa nông thôn vào năm 2020, trong thời gian tới Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác cho ngành điện để thực hiện nâng cấp, cải tạo lưới điện nông thôn. Ngoài ra, cũng cần sự chung tay nỗ lực của doanh nghiệp và người dân để xây dựng hệ thống lưới điện an toàn, hiệu quả nhằm phục vụ tốt nhu cầu điện năng cho sinh hoạt và phát triển kinh tế của các địa phương, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu