Theo các chuyên gia, cơ hội với ngành dệt may Việt Nam khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực là rất lớn.
Hội thảo "Hiệp định CPTPP, EVFTA - Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam" Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN |
Tuy nhiên, để được hưởng những lợi ích từ Hiệp định CPTPP, khó khăn mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải vượt qua cũng không nhỏ. Bên cạnh đó là thách thức về xu hướng đầu tư rất nhanh và mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường dệt may Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn sản xuất gia công, may đơn hàng theo mẫu và năng suất lao động còn thấp.
Do đó, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế vẫn còn yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam càn có chiến lược về dài hạn: "Có 5 yếu tố mà cộng đồng doanh nghiệp phải nhìn thấy, điều quan trong nhất là chúng ta phải đào tạo nguồn lực, nếu cộng đồng doanh nghiệp không quan tâm, chúng ta cứ thờ ơ thì chúng ta sẽ không đủ nguồn lực vào sân chơi này. Vấn đề thứ hai mà tôi cho rằng, cực kỳ quan trọng là chúng ta phải chuyển dịch sản xuất, chúng ta phải làm từ thiết kế, nguyên liệu trong nước thì chúng ta mới lấy được lợi ích hiệu quả của Hiệp định Thương mại này. Vấn đề thứ ba ở đây là phải xây dựng chuỗi liên kết hợp tác. Vấn đề thứ 4 là triển khai hiệu quả các dự án đầu tư, đầu tư bài bản cho hiệu quả Hiệp định Thương mại. Vấn đề thứ năm là phải đầu tư công nghệ, chúng ta phải có chiến lược giải pháp, nếu không chúng ta không đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn".