Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng chính thức trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xét và trao tặng hàng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, giải các bài toán Việt Nam và thời đại. Diễn ra từ năm 2020, giải thưởng đã tạo ra một cú hích lớn cho các doanh nghiệp số Việt Nam, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam.
Đây là giải thưởng mang tầm quốc gia về sản phẩm công nghệ số, với qui mô lớn trên toàn quốc, qui tụ mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giới Công nghệ thông tin và truyền thông nước nhà.
Lễ công bố và trao giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021. Ảnh: TTXVN |
Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, diễn ra bắt đầu từ năm 2020, đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa tích cực. Nhiều sản phẩm đạt giải đã đóng góp quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, người dân.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: “Đây là hoạt động cụ thể để triển khai Chỉ thị 01 năm 2020 của Thủ tướng chính phủ về thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Giải thưởng nhằm tuyên dương các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiêu biểu thực hiện tốt chiến lược Make in Vietnam, đồng thời hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm dịch vụ, giải pháp và mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ số. Qua triển khai, giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam đã có hiệu ứng lan tỏa tốt, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ số Việt Nam. Nhiều sản phẩm đạt giải đã trực tiếp giúp cho các cơ quan, chính phủ, doanh nghiệp người dân thực hiện chuyển đổi số.”
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm. Ảnh: TTXVN |
Thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực khai thác, ứng dụng hiệu quả các công nghệ số mới, từ đó làm chủ các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giải quyết các bài toán của Việt Nam, đặc biệt là ứng dụng các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), IoT, tự động hóa quy trình Robotic.
Nhiều sản phẩm được ứng dụng rộng rãi khắp nơi, góp phần thay đổi lớn cuộc sống người dân tại nhiều bản làng xa xôi, khó khăn. Hoạt động của người dân, doanh nghiệp được số hóa thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
Người dân được tiếp cận với những dịch vụ y tế chất lượng cao, tiếp cận các giải pháp học tập từ xa, làm việc từ xa, tiếp cận kiến thức, thông tin phục vụ đời sống…. Có thể kể đến những sản phẩm tiêu biểu như Akabot của Tập đoàn FPT (ứng dụng robot tự động hóa quy trình giúp nhiều ngân hàng, nhà bán lẻ giải quyết bài toán chi phí, nâng hiệu suất, năng lực cạnh tranh); Sản phẩm AI-trợ lý bác sĩ của VinGroup được triển khai tại nhiều bệnh viện ở các thành phố lớn; Sản phẩm Vỏ sò - sàn thương mại điện tử của Viettelpot, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; Hay sản phẩm VNEdu-hệ sinh thái giáo dục thông minh của VNPT, được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục Việt Nam, được giáo viên và phụ huynh đánh giá cao. Một khách hàng là giáo viên chia sẻ: “4.0 là kết nối. Tất cả được kết nối, chúng tôi hoàn toàn có thể quản lý được hoạt động của học sinh. Chúng ta có thể quản lý được toàn bộ dữ liệu của một học sinh trên server hệ thống và đây là cơ sở để phân tích và quản lý hiệu quả, chẳng hạn như việc tư vấn, hướng nghiệp cho các em sau này.”
Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trên thế giới trong việc ban hành các chương trình và chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp còn được đặc biệt quan tâm phát triển khi được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi số từ nguồn ngân sách nhà nước. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức cao về chuyển đổi số. Đồng thời chiến lược đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vươn lên, tạo sự bứt phá nhờ hỗ trợ của cuộc cách mạng công nghệ. Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đặt ra mục tiêu gia tăng vị thế trên bảng xếp hạng chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc lần lượt lên top 70 vào năm 2025 và top 50 vào năm 2030 (hiện nay, Việt Nam ở vị trí 86/193 quốc gia và vùng lãnh thổ). Cùng với đó, kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP cả nước và năng suất lao động hàng năm tăng trưởng ở mức lớn hơn 8%.
Vì vậy, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát huy lợi thế nhằm giải quyết tối ưu nhất các thách thức của Việt Nam, qua đó chiếm lĩnh được thị trường chuyển đổi số trong nước được Bộ Thông tin và Truyền thông coi là sứ mệnh. Đó là am hiểu thị trường nội địa, am hiểu nhu cầu khách hàng, văn hóa bản địa, chủ động, sáng tạo, thiết kế, thay đổi các sản phẩm dịch vụ và giải pháp theo các nhu cầu riêng biệt của khách hàng.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Giải pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông tìm cách thực hiện là cố gắng đưa ra các bài toán, tìm ra những thách thức hiện nay của xã hội Việt Nam để định hướng, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp cùng giải quyết những bài toán, những thách thức đó. Doanh nghiệp cần nhất là thị trường. Khi có thị trường thì sẽ có công nghệ, có doanh nghiệp và có sản phẩm tốt.”
Năm 2022 là năm thứ 3 giải thưởng được phát động và triển khai. Giải thưởng sẽ có những điểm mới so với năm trước. Thep đó, các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được trao giải theo 4 hạng mục gồm: Sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số; Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số; Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số; Sản phẩm số tiềm năng. Sau 2 lần tổ chức, Giải thưởng đã thu hút được sự chú ý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Qua điều tra khảo sát của VCCI về thực trạng, xu hướng thúc đẩy chuyển đổi số, hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã và đang mong chờ công nghệ số hữu ích để ứng dụng được trong sản phẩm và quá trình sản xuất kinh doanh.
Không dừng lại ở việc lắp ráp, gia công, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực cống hiến trong nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế, làm chủ công nghệ mới, bắt nhịp cuộc cách mạng số, với niềm tự hào là sản phẩm "Make in Vietnam". Hiện nay, tinh thần "Make in Vietnam" như một sự thay đổi về chiến lược trong phát triển của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với nội hàm nghiên cứu, sáng tạo, tự chủ các công nghệ, sản phẩm dịch vụ nhằm mang lại giá trị cao hơn. Nhiều doanh nghiệp công nghệ đã có những bước chuyển hướng, nghiên cứu phát triển các giải pháp ứng dụng cho thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam chính là con đường để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ cả công nghệ và sản phẩm, đi cùng nhịp với các cường quốc trên thế giới trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số mới. Việc tôn vinh các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam chính là động lực để các doanh nghiệp số Việt Nam thể hiện năng lực làm chủ về công nghệ, đưa Việt Nam sớm tự lập, tự cường và đây cũng chính là chìa khóa để Việt Nam vươn lên thứ bậc cao trong chuỗi giá trị, bắt kịp các nước phát triển, tiến tới đóng góp cho công nghệ của thế giới