GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất trong số tất cả các quốc gia trên thế giới. Xu hướng này phản ánh tính năng động của nền kinh tế Việt Nam và sự phát triển vượt bậc của quốc gia này trong những năm qua. Bài báo số ra ngày 23/11 trên trang forbes.com (Mỹ) nhấn mạnh như vậy.
Theo tác giả, trong giai đoạn 2006 - 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo USD giá hiện hành đã tăng gần 371% (tăng gần 5 lần). Năm 2006, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là hơn 780 USD/người; năm 2021 là gần 3.700 USD/người. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng.
Sử dụng số liệu từ Đài quan sát phức hợp kinh tế (OEC) để phân tích, tác giả cho rằng những thay đổi trong nền kinh tế Việt Nam trong 15 năm qua phần lớn là do nền kinh tế Việt Nam ngày càng đa dạng hóa. Năm 2006, sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dầu thô, chiếm 16,9% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 7,72 tỷ USD.Tuy nhiên, đến năm 2020, xăng dầu thô chỉ chiếm 0,54% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tương đương 1,64 tỷ USD. Thay vào đó, thiết bị phát thanh truyền hình đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 14% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 42 tỷ USD. Đứng thứ hai là điện thoại, tiếp đó là xuất khẩu linh kiện điện tử.
Theo OEC, trong 20 năm qua, thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng Chỉ số phức hợp kinh tế (ECI), thước đo tổng thể về khả năng sản xuất của 1 thành phố, khu vực hoặc quốc gia, cũng đã tăng từ vị trí thứ 83 lên vị trí thứ 61 trên thế giới.
Xu hướng tăng trưởng ấn tượng GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã phản ánh sự năng động của nền kinh tế và sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong các năm qua.