Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam góp phần tạo sức bật cho kinh tế Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm thời gian qua. 

Theo kế hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao này có tốc độ thiết kế 350 km/h, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh). Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần tăng năng lực vận tải đường sắt, kết nối và thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, tác động lan tỏa tổng thể tới nền kinh tế.

Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam góp phần tạo sức bật cho kinh tế Việt Nam - ảnh 1Đường sắt tốc độ cao khi hoàn thành sẽ là 1 cú hích lớn để thay đổi không gian phát triển của nhiều địa phương. Ảnh đồ hoạ/Bộ GTVT.

Tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm. Hiện, hồ sơ chủ trương đầu tư dự án đang được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra để chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Để chuẩn bị cho dự án này, thời gian qua, Bộ Giao thông – Vận tải đã cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao. Trải qua quá trình nghiên cứu, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ đề xuất đầu tư với quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh. Theo Bộ Giao thông – Vận tải, tuyến đường sắt tốc độ cao khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững. Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết: "Tuyến đường sắt tốc độ cao này đáp ứng được nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc- Nam trong thời gian tới. Theo tính toán, nếu phát triển 4 phương thức, gồm: hàng không, đường bộ, hàng hải và đường sông theo đúng quy hoạch, thì trên hành lang này còn dư khoảng 120 triệu hành khách/năm. Tức là chưa có phương thức nào phục vụ được số lượng hành khách đó. Do đó, đường sắt tốc độ cao sẽ giải quyết được vấn đề này".

Cùng với những giá trị tiện ích về giao thông, đường sắt tốc độ cao khi hoàn thành sẽ là 1 cú hích lớn để thay đổi không gian phát triển của nhiều địa phương. 20 tỉnh, thành phố có đường sắt tốc độ cao đi qua có quy mô dân số lớn nhất cả nước, tập trung những điểm phát triển, các trung tâm phát triển và khi được kết nối sẽ lan tỏa ra các địa phương khác, tạo thuận lợi cho các địa phương này tăng thu hút đầu tư khi có giao thông tốt. Đường sắt tốc độ cao sẽ phân bố lại nguồn lực sản xuất, phân bố lại dân cư, phân bố lại lao động và tạo ra sự phát triển đồng bộ. Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, chuyên gia kinh tế: "Sức lan tỏa của đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại những lợi ích cho nền kinh tế, nhất là về logistic. Hệ thống logistic mạnh lên, chi phí giảm xuống, hiệu quả kinh tế cao lên, phát triển logistic đóng góp rất nhiều vào giá trị gia tăng, tạo thêm cơ hội phát triển cho các trung tâm mới được hình thành. Như vậy, GDP sẽ tăng lên khi chúng ta đầu tư lớn. Hệ thống đường sắt này có tác động lớn đối với việc thay đổi diện mạo, thay đổi không gian phát triển và thay đổi điều kiện phát triển cho các vùng mà có hệ thống đường sắt này đi qua và lan tỏa".

Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam có tổng mức đầu tư ước tính khoảng hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo lộ trình dự kiến, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong tháng 10 này; khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu