Du lịch miền Trung phát triển trong khó khăn

Chia sẻ
(VOV5) - Trong khó khăn chung của nền kinh tế, ngành du lịch các địa phương ven biển miền Trung lại có nhiều cách làm sáng tạo để thu hút du khách nội địa và khách quốc tế đến từ các vùng tiềm năng như Liên bang Nga và một số nước Châu Á… Nhờ vậy, du lịch đã thực sự là điểm sáng của nền kinh tế các tỉnh miền Trung trong năm 2012 và những ngày đầu năm 2013 này.

(VOV5) - Trong khó khăn chung của nền kinh tế, ngành du lịch các địa phương ven biển miền Trung lại có nhiều cách làm sáng tạo để thu hút du khách nội địa và khách quốc tế đến từ các vùng tiềm năng như Liên bang Nga và một số nước Châu Á… Nhờ vậy, du lịch đã thực sự là điểm sáng của nền kinh tế các tỉnh miền Trung trong năm 2012 và những ngày đầu năm 2013 này.

Nhấn vào đây để nghe nội dung bài viết:




Du lịch miền Trung phát triển trong khó khăn - ảnh 1
Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên- Huế), một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới - Ảnh vietvideo.com

Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2013, những chiếc tàu biển chở hàng nghìn du khách quốc tế đã cập cảng Đà nẵng, mở ra những cơ hội phát triển của du lịch các địa phương miền Trung Việt Nam. Trước đó, trong năm 2012, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa, cũng thuộc miền Trung Việt Nam, đã đón vị khách thứ 2 triệu đến với Nha Trang. Kể từ khi  sân bay Cam Ranh chính thức trở thành cảng hàng không quốc tế thứ 3 tại khu vực miền Trung sau sân bay Huế, sân bay Đà Nẵng thì đường bay thẳng từ Nga đến Khánh Hòa được duy trì thường xuyên, đã đón mỗi ngày khoảng 600 du khách, từ đất nước Nga xa xôi đến du lịch thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.
Ông Andrey Smirinov, Giám đốc truyền thông Công ty Du Lịch Ánh Dương, doanh nghiệp đưa nhiều khách Nga đến Việt Nam cho biết: dự kiến mùa nghỉ đông năm nay, Khánh Hòa sẽ đón khoảng 100 ngàn lượt khách Nga. Khí hậu ấm áp, phong cảnh tuyệt đẹp và con người thân thiện của Khánh Hòa chính là điểm hấp dẫn các du khách trung lưu, có khả năng chi tiêu lớn của Nga này: “Ngay từ những bước chân đầu tiên của khách trên đất Việt Nam họ đã thấy nhiều cái khác lạ. Một là về khí hậu, từ những vùng Siberia và vùng viễn đông của Nga hiện nay là mùa đông, có tuyết. Sau khi họ bay vài tiếng đồng hồ thôi thì họ thấy khí hậu khác hẳn. Họ thấy biển đẹp, trời nắng người ta rất mừng. Bắt đầu từ năm mới chúng tôi cũng có những bước mới để cung cấp khách du lịch Nga cho tỉnh Khánh Hòa và từ nay trở đi chúng tôi cũng sẽ tăng cường số lượng chuyến bay và số lượng khách cho thị trường Việt Nam”.

Thành phố biển Đà Nẵng cũng là điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Trung khi đang dần khẳng định thương hiệu một thành phố môi trường, thành phố đáng sống, thành phố sự kiện và tổ chức thành công nhiều cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, lần đầu tiên tổ chức sự kiện thi dù lượn quốc tế, thi hoa hậu Việt Nam trong năm 2012… Những sự kiện lớn này góp phần mang lại cho thành phố Đà Nẵng 6.000 tỷ đồng thu nhập xã hội từ du lịch. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp được tăng cường đầu tư đã khiến Nẵng trở thành một trong những điểm đến lý tưởng của khách quốc tế. Đà Nẵng đang ấp ủ nhiều kế hoạch thu hút du khách nước ngoài. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Thứ nhất là sẽ duy trì được các sự kiện lớn, bên cạnh đó việc đầu tư nâng cấp cho môi trường và rồi các sản phẩm mới và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư họ tiếp tục đầu tư được các sản phẩm mới, khu nghỉ dưỡng mới cao cấp. Thứ hai nữa là thị trường Châu Âu khó thì chúng tôi sẽ chuyển hướng thu hút du khách đến những thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó thì chúng tôi  vẫn tiếp tục khai thác mạnh thị trường nội địa trong nước, là thị trường trọng tâm hiện nay”. 

Với tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương đã đăng cai và tổ chức thành công “Năm du lịch Quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ” với điểm nhấn quan trọng là Festival Huế  trong năm 2012, đã khẳng định tính chuyên nghiệp trong tổ chức lễ hội, khai thác du lịch, khẳng định được sự hấp dẫn của di sản đất cố đô. Trong Năm du lịch Quốc gia 2012, Thừa Thiên Huế đón 2,5 triệu lượt khách, tăng gần 25% so với năm 2011, doanh thu từ du lịch đạt gần 1.800 tỷ đồng. Thừa Thiên Huế còn cùng các tỉnh miền Trung xây dựng nhiều chương trình du lịch mới và hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế như “Tháng du lịch khám phá hang động ở Quảng Bình”; Lễ hội du lịch văn hóa, nhịp cầu xuyên Á lần thứ ba tại tỉnh Quảng Trị… Con số hơn 10 triệu lượt khách đến với “Năm du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ” đã nói lên sức hấp dẫn, sự năng động của ngành du lịch miền Trung trong điều kiện kinh tế khó khăn. 

Tuy nhiên, các tỉnh miền Trung vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng những sản phẩm du lịch thống nhất, mang đặc trưng vùng miền, như Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã chỉ rõ: “Năm 2013, ngành du lịch sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, vì vậy các tỉnh trong khu vực cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đưa các tỉnh miền Trung thực sự trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Các địa phương trong vùng tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục những khó khăn hạn chế như công tác liên kết trong xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch chưa được phát huy tối đa”.

 Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những kết quả khả quan mà ngành du lịch miền Trung đạt được chính là động lực để năm 2013, ngành du lịch tiếp tục phát huy sáng tạo, duy trì vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền Trung./.

 Thành Long, phóng viên Đài TNVN thường trú tại miền Trung


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu