Dư địa thị trường xuất khẩu lâm sản còn rất lớn

Minh Long
Chia sẻ
(VOV5) - Ngành gỗ Việt Nam đã có những bước chuyển mình để thích ứng và vượt qua thách thức nhờ đó tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng 

Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ngành gỗ Việt Nam đã có những bước chuyển mình để thích ứng và vượt qua thách thức nhờ đó tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm nay đạt 7,83 tỷ đô la, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, việc các doanh nghiệp mở rộng phát triển trên thị trường toàn cầu là điều hoàn toàn có thể làm được.  

 Nghe âm thanh tại đây:

7 tháng của năm 2020 gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,32 tỷ đô la, tăng 9,6%, lâm sản ngoài gỗ đạt 511 triệu đô la, tăng 21,6%. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục duy trì vị trí là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 77,1% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng đầu năm nay.
Dư địa thị trường xuất khẩu lâm sản còn rất lớn - ảnh 1 Ảnh minh họa:VCCI.com.vn

Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Woodland - doanh nghiệp có trên 10 năm xuất khẩu sản phẩm cửa gỗ, nội thất gỗ công nghiệp sang Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) tạo ra sức ép buộc các doanh nghiệp phải thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường EU, nhất định phải có sự chuẩn bị dài hơi và xây dựng chiến lược tổng thể để tồn tại và phát triển. Với những doanh nghiệp làm việc theo kiểu "tranh thủ", ngắn hạn là không phù hợp. Thị trường EU đánh giá trên nhiều góc độ, nhưng luôn đề cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động. Đối với một số doanh nghiệp lớn của Châu Âu, ngoài yêu cầu thông thường về nguồn gốc xuất xứ, EU còn có tiêu chuẩn cao hơn như quản lý theo chuỗi, chứng nhận bảo vệ rừng (FSC) cho nguyên liệu gỗ. Ông Vũ Hải Bằng cho biết:Cách đây 5 năm doanh nghiệp đã nhận thấy những yêu cầu từ thị trường này, vì vậy năm 2017 doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng gỗ được cấp chứng chỉ hợp pháp đón đầu khi Hiệp định EVFTA được ký giữa 2 nước. Mình phải làm xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng từ phía Hoa Kỳ hoặc EU họ muốn những nhà bán hàng phải đảm bảo được nguồn gốc gỗ qua đó mang lại hình ảnh cho sản phẩm gỗ mà mình sản xuất. Những doanh nghiệp quan tâm đến đầu ra tiêu thụ và tận dụng được cơ hội phải tham gia vào tuân thủ các yêu cầu này. Không chỉ là ý thức chung của doanh nghiệp mà còn là cơ hội cũng như yêu cầu của người tiêu dùng.

Xếp thứ nhất khu vực ASEAN, thứ 2 ở Châu Á và thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành ngành phát triển năng động nhất hiện nay. Sự năng động thể hiện qua các chỉ số như kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng hàng năm, thường xuyên ở mức 2 con số với việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia các khâu trong chuỗi giá trị và xuất khẩu. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, sự năng động của ngành còn thể hiện qua khía cạnh các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng được các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của những thị trường xuất khẩu như: tính hợp pháp của gỗ, yêu cầu về môi trường, xã hội, đặc biệt là của các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Ốt- xtrây-li a: Ngành gỗ đang đứng trước thách thức cũng như cơ hội lớn trước chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc về việc nhiều mặt hàng chuyển dịch nguồn cung về Việt Nam. Để thúc đẩy tăng trưởng của ngành phải tận dụng được sự chuyển dịch này nhất là những sản phẩm cốt lõi, thị trường cốt lõi làm sao để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn để tận dụng cơ hội. Hiệp hội đã và đang chuẩn bị thành lập Chi hội ngành hàng chủ lực về những sản phẩm đồ trang trí nội thất, tủ bếp xuất khẩu vào Hoa Kỳ, với giá trị khoảng 10 tỷ đô la. Nếu không có dịch Covid 19 thì kim ngạch xuất khẩu gỗ năm nay không chỉ dừng ở mức 12,5 tỷ đô la mà còn có thể đạt 15 tỷ đô la.

Dư địa thị trường xuất khẩu lâm sản còn rất lớn - ảnh 2 Sản xuất các sản phẩm bàn ghế tại công ty TNHH Tài Phước Khu Công nghiệp Phú Tài (Bình Định) Ảnh: TTXVN

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, căn cứ kết quả sản xuất 8 tháng vừa qua, dự báo xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt kim ngạch 12,5 tỷ đô la trong năm nay. Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: gỗ ghép thanh, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất, viên nén năng lượng…đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản. Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, ngành gỗ Việt Nam đã có những thay đổi để thích ứng và vượt qua thách thức. Trong quý 3 và đầu quý 4 năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu nhờ sự nỗ lực chuyển đổi của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như những tín hiệu phục hồi tích cực tại một số thị trường chính:Một trong những giải pháp quan trọng của xu thế của thế giới không hẳn dưới tác động của dịch Covid 19 nhưng dịch thúc đẩy nhanh hơn quá trình này đó là chuyển đổi số, giao dịch online điện tử để vừa thích ứng với dịch Covid 19 vừa đảm bảo khách quan và thuận lợi chung cho các thành phần trong chuỗi trong mọi tình huống.

Xuất khẩu lâm sản của Việt Nam có nhiều cơ hội để vươn ra rộng hơn trên thị trường thế giới khi còn nhiều thị trường tiềm năng và những thuận lợi về mức thuế nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết. Đây không chỉ là thời cơ cho ngành Lâm nghiệp đạt mục tiêu xuất khẩu 12,5 tỷ đô la trong năm nay mà còn đặt ra yêu cầu cần khai thác tốt hơn những thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Hàn Quốc và một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng thời gian tới như: Canada, Nga, Ấn Độ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu