Đổi mới thể chế, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển

Vũ Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn nữa, nhất là trong điều kiện đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. 

(VOV5) - Việt Nam hiện có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động và tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, với 51% lực lượng lao động cả nước. Chính phủ Việt Nam xác định vai trò kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế và cũng là một phần quan trọng trong đổi mới thể chế kinh tế đất nước. Chính vì vậy, Việt Nam xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn nữa, nhất là trong điều kiện đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Doanh nghiệp tư nhân đóng góp trên 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là đầu tàu trong phát triển kinh tế đất nước. Doanh nghiệp tư nhân đang phát triển với một tốc độ nhanh chóng dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như: sự thiếu hụt các nguồn hỗ trợ phục vụ đổi mới sáng tạo, các chính sách và chương trình hỗ trợ cùng với những hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính.


Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, cho rằng Chính phủ cần ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp. Đồng thời đổi mới tư duy toàn diện bộ máy hành chính ở Trung ương và địa phương để thực hiện đầy đủ tinh thần chính quyền phục vụ dân và doanh nghiệp.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng: Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội những quyết sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.  Phó Thủ tướng khẳng định
 "Chính phủ sẽ làm hết sức mình cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế, mọi loại hình doanh nghiệp, mọi chủ thể của thị trường, có điều kiện bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh với nhau theo nền kinh tế thị trường. Đồng thời Chính phủ cũng đang xây dựng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và vừa để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhỏ và vừa của Việt Nam theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường không phân biệt đối xử, và phù hợp với các cam kết quốc tế".


Đổi mới thể chế, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển - ảnh 1
Văn kiện Đại hội XII khẳng định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế” (Ảnh: KT)

Tại cuộc gặp mặt doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các bộ, ngành cam kết đồng hành và cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết tháo gỡ các thủ tục kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; Bộ Tài chính cam kết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thông quan hải quan. Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng khẳng định thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thông thoáng, quyền tự do cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Nhà nước cam kết hỗ trợ vốn, các Ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, điều chỉnh lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức hợp lý.


Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cơ quan chức năng phải lấy người dân doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, nhận phần khó khăn về Nhà nước, và cần có chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển: "Doanh nghiệp có vai trò quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội, khơi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và cần có chính sách hỗ trợ riêng để tạo điều kiện cho phát triển và hội nhập. Chỉ có 1,8% doanh nghiệp vừa, 2% doanh nghiệp lớn, còn 96% là doanh nghiệp nhỏ. Tại hội nghị này, tôi muốn khẳng định đường lối của Đảng, Chính phủ là coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ngăn chặn có hiệu quả việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho doanh nghiệp".


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ, ngành phải xử lý nhanh các vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp: "Tiếp tục đẩy mạnh, xây dựng hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, trước hết là rà soát giải quyết triệt để các vướng mắc chưa phù hợp giữa Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp và các Luật liên quan. Tập trung xây dựng Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa; giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh liên quan đến thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề nữa là thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp với nhiều hình thức mà Nhà nước và các địa phương cần quan tâm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp".


Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII xác định vai trò kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với xu thế hội nhập hiện nay, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mong muốn có một thể chế kinh tế linh hoạt, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu