Hôm qua (29/3), tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) diễn ra Hội nghị Giao lưu doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, giới thiệu việc thực hiện cửa khẩu số, thúc đẩy xuất nhập khẩu năm 2024. Chương trình thu hút sự quan tâm của hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: VOV |
Tại hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ mong muốn Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hoá, số hoá các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thông thương. Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng, nêu quan điểm: "Để thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch qua biên giới, chúng tôi đề nghị lãnh đạo 2 bên trong thời gian tới tổ chức gặp mặt, đối thoại, hội đàm để đi đến thống nhất những cơ chế hợp lý cho doanh nghiệp lữ hành 2 bên khi tổ chức các tour qua lại được lưu trú qua đêm nhằm kích cầu, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh về du lịch của tỉnh Cao Bằng và tỉnh Quảng Tây".
Về phía Trung Quốc, đại diện các doanh nghiệp cũng bày tỏ quan tâm đến các cơ chế hỗ trợ về thủ tục, thuế, đặc biệt là các chính sách sách liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài. Ông Chung Hoa, Giám đốc bán hàng Công ty hữu hạn kỹ thuật Năng lượng mới Hâm Hạo Bách Sắc, Quảng Tây, cho biết: "Trong thời gian khảo sát tại Cao Bằng, tôi thấy các chính sách cũng như sự quan tâm, ủng hộ từ các lãnh đạo với doanh nghiệp rất lớn. Đặc biệt, Cao Bằng có rất nhiều chính sách ưu tiên về thuế, về xuất nhập cảnh. Điều chúng tôi quan tâm nhất chỉ là khi chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy ở đây, thì khi đưa thiết bị, máy móc từ Trung Quốc về, tỉnh còn chính sách nào thuận lợi hơn nữa không".
Tiếp thu ý kiến từ phía doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng khẳng định địa phương sẽ tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đầu tư. Cao Bằng sẽ tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường. Đồng thời khẳng định trong thời gian tới, Cao Bằng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên 3 trụ cột, bao gồm: chính quyền số, kinh tế số và công dân số.