Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng internet để mở rộng thị trường

Sỹ Lam
Chia sẻ
(VOV5) - Việc ứng dụng những tiện ích của mạng internet vào hoạt động của doanh nghiệp là một trong những công cụ hỗ trợ hiệu quả nhất để phát triển hệ thống kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thâm nhập thị trường quốc tế

(VOV5) - Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay, việc ứng dụng những tiện ích của mạng internet vào hoạt động của doanh nghiệp là một trong những công cụ hỗ trợ hiệu quả nhất để phát triển hệ thống kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thâm nhập thị trường quốc tế.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Hiện nay, các tiện ích của mạng inernet đã được các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng rộng rãi và đạt hiệu quả ngày càng cao. Đầu tư cho tiếp thị mạng được chú trọng hơn và mang lại hiệu quả rõ ràng cho doanh nghiệp.

Tại Hà Nội, có đến 95% trong khoảng 65.000 doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp tư nhân cũng không đứng ngoài cuộc trong xu hướng thành lập các website theo mô hình thương mại điện tử. Qua đó, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài dường như xoá được mọi khoảng cách về không gian, thời gian. Các giao dịch đàm phán, tìm hiểu nhu cầu đối tác được tiến hành rất thuận lợi. Một ví dụ là trang web Vietgo.com của công ty cổ phần Vietgo đã trở thành một trong những địa chỉ hỗ trợ xuất khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tuyên, phó giám đốc Công ty cho biết:Doanh nghiệp chúng tôi tận dụng lợi thế nhân viên còn trẻ, doanh nghiệp trẻ nên mức độ nắm bắt thông tin tốt hơn, nhất là việc sử dụng công nghệ. Chúng tôi làm đúng cái khâu chúng tôi mạnh nhất, đó là thông tin…

Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng internet để mở rộng thị trường - ảnh 1
Không chỉ các doanh nghiệp ở Hà Nội mà nhiều cơ sở sản xuất ở các làng nghề ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc hoặc ở các địa phương trong cả nước cũng xây dựng website bán hàng trực tuyến và thu hút được đơn đặt hàng từ nước ngoài. Ông Vũ Đình Vân, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Long Vân, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sở công thương Bắc Ninh đã giúp tôi mở một trang web. Đến bây giờ, tự tôi phân công con cháu hàng ngày theo dõi thông tin, nắm bắt để phục vụ khách. Những khách về đây không phải là nhiều nên tôi muốn làm trang web để giới thiệu với khách ở xa, nhất là khách ở nước ngoài.

Với 33 thành viên và có thị trường ở hơn 60 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng kênh tiếp thị qua internet vẫn rất quan trọng đối với Tổng công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, nhằm mở rộng kênh tiếp xúc khách hàng quốc tế, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh. Ông Nguyễn Mạnh Cương, giám đốc marketing của Tổng công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội cho biết: Thông qua trang web và thương mại điện tử, chúng tôi có những thông tin và giới thiệu những sản phẩm của tổng công ty đến khách hàng sớm nhất, nhanh nhất...Trước đây thông qua fax mất nhiều thời gian và chi phí cao..

Bộ Công thương dự kiến đến hết năm 2013, sẽ có hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại điện tử. Ông Đỗ Chí Dũng, phó Vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương khẳng định, ứng dụng kênh tiếp thị qua internet là một trong những giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới, nhất là trong gia đoạn khó khăn, cần cắt giảm chi phí tiếp thị như hiện nay:Trước kia, người ta đi tham gia triển lãm ở nước ngoài hay đi vài chuyến công tác ở nước ngoài thì chi phí lớn, nhưng giờ người ta phải tìm phương pháp mới hiệu quả với chi phí thấp. Chính vì thế ứng dụng thương mại điện tử là một giải pháp tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay...

Hiện nay, cơ sở hạ tầng của Việt Nam hội tụ đủ yếu tố thúc đẩy và làm nền tảng để ứng dụng những tiện ích của mạng internet vào hoạt động kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa. Công nghệ thông tin và internet là kênh thông tin không còn xa xỉ đối với người dân Việt Nam, nó đã vươn xa tới tận những thôn xã, làng bản. Các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ ngày càng đánh giá cao ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng suất lao động và mở rộng thị trường. Số đơn vị kinh doanh có cán bộ chuyên trách về tiêp thị mạng tăng nhanh. Một số trường đại học kinh tế - thương mại trong nước cũng đã tiến hành giảng dạy về thương mại điện tử như một phần chương trình đào tạo các kỹ sư kinh tế. Bên cạnh đó, có nhiều sinh viên Việt Nam chọn chuyên ngành thương mại điện tử ở các trường đại học nước ngoài. Trong vài năm tới, đây sẽ là lực lượng quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp. Ứng dụng tiếp thị mạng vào xúc tiến thương mại sẽ là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp Việt Nam thực hiện mục tiêu đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế hiện nay./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu