Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động phương án ứng phó căng thẳng tại Biển Đỏ

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam là quốc gia có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ.

Tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của nhiều nước, trong đó có hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đi các thị trường, như: Canada, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện nay phản ánh sơ bộ của các hiệp hội ngành hàng cho thấy giá cước vận chuyển đường biển từ Việt Nam sang khu vực châu Âu cũng như sang bờ Đông của Hoa Kỳ đã có sự gia tăng đáng kể. Trước đây, một container hàng đi từ Việt Nam sang châu Âu có giá khoảng 1.800 đến 2.200 USD nhưng nay đã tăng lên trên 4.000 USD. Mức giá này làm chi phí hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tăng lên, thời gian giao-nhận hàng lâu hơn, đồng thời cũng ảnh hưởng đến chất lượng một số mặt hàng nông sản.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động phương án ứng phó căng thẳng tại Biển Đỏ - ảnh 1Hàng hóa thông quan tại cụm cảng biển Cái Mép -Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN

Những nhóm hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu lớn sang EU và khu vực bờ Đông Hoa Kỳ, như: dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, trái cây, hạt nhựa… hiện đang chịu ảnh hưởng lớn từ việc các hãng tàu phải chuyển hướng đi vòng qua châu Phi.

Do đó, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo các doanh nghiệp cần có phương án dự phòng: “Việt Nam là quốc gia có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ. Do đó, chúng ta luôn phải tính đến các phương án dự phòng thích hợp, trong đó có việc chủ động phương án đàm phán với các đối tác trong khu vực để giãn thời gian giao-nhận hàng. Mặt khác, việc các doanh nghiệp của chúng ta mua bảo hiểm liên quan đến vấn đề chậm trễ trong giao-nhận hàng cũng là yếu tố rất cần thiết”.

Bộ Công thương cho biết đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải theo dõi chặt chẽ tình hình, từ đó ra khuyến cáo các doanh nghiệp lựa chọn những phương thức thay thế, như: vận chuyển bằng đường sắt liên vận giữa châu Á và châu Âu hoặc bằng đường hàng không đối với nhóm hàng có thể chịu đựng được chi phí vận chuyển hàng không.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu