Doanh nghiệp dệt may đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường để phát triển

Lệ Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may đạt 45 tỷ USD trong năm nay.

Trong bối cảnh hàng dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đang nỗ lực đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường, để phát triển.

3 tháng qua, do thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ hoạt động 60% công suất. Để duy trì sản xuất, đảm bảo công việc cho người lao động, doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm đơn hàng.  

Doanh nghiệp dệt may đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường để phát triển - ảnh 1Nhiều doanh nghiệp sản xuất không lợi nhuận vẫn nhận đơn hàng để giữ lao động - Ảnh: DN/VOV

Công ty TNHH Thành Phát tại quận Gò Vấp, chuyên may gia công quần, áo thun cho các doanh nghiệp ở Mỹ, Nhật, Malaysia. Nay, công ty chuyển hướng tìm thị trường nội  địa, may gia công cho những nhãn hàng trong nước. Hiện công ty này đã sản xuất 70% cho thị trường nội địa.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công, nhờ có chiến lược đa dạng hóa thị trường nên chủ động hơn trong việc tìm đơn hàng. Hiện, sản phẩm của công ty vẫn xuất đi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc và công ty đã ký đơn hàng gần đủ để sản xuất đến hết quý 2. Đồng thời, công ty còn chủ động đầu tư sản xuất theo hướng xanh, bền vững, đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở châu Âu, Mỹ để khi thị trường phục hồi lại là có thể xuất được ngay.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, cho biết:"Doanh nghiệp tập trung vào phát triển bền vững, thân thiện môi trường, nhà máy xanh, sạch hơn theo yêu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chí đó thì mới có cơ hội tiếp tục nhận được những đơn hàng mới trong thời gian tới, nếu không thì khi thị trường hồi phục lại mà doanh nghiệp không chuẩn bị trước thì sẽ bỏ qua cơ hội đó". 

Theo ông Thân Ðức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tập trung vào công tác thị trường, tiết kiệm tối đa chi phí, nâng cao sức cạnh tranh bằng cách tăng năng suất lao động, đầu tư máy móc, các trang thiết bị hiện đại, nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất cũng như đáp ứng nhanh các yêu cầu của khách hàng. 

Doanh nghiệp dệt may đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường để phát triển - ảnh 2Doanh nghiệp đa dạng thị trường và linh hoạt trong sản xuất để tìm thêm đơn hàng mới - Ảnh: DN/VOV

Ông Thân Đức Việt nói: "Thiếu đơn hàng thì không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà diễn ra tất cả các nước đang sản xuất và xuất khẩu, trong đó có Bangladesh, Ấn Ðộ, Trung Quốc... Công ty May 10 chúng tôi đang tập trung vào đơn hàng có chất lượng cao, giá thì mức trung bình cao trở lên, đơn hàng thì mang tính nhỏ lẻ, đòi hỏi chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh".

Do lường trước những biến động và khó khăn kéo dài của thị trường nên nhiều doanh nghiệp dệt may đã sớm đưa ra các giải pháp để ứng phó với tình hình, bảo đảm thực hiện mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đặc biệt tăng cường giải pháp đối với các doanh nghiệp sợi nhằm duy trì sản xuất, giữ ổn định nguồn lao động, bảo đảm dòng tiền và chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên.
Nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm dệt kim, giúp các đơn vị sản xuất vải và may chủ động nguồn cung nguyên liệu, giảm tồn kho sợi, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng của chuỗi. Đồng thời, tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải để bảo đảm vừa tiết giảm chi phí vừa theo đúng lộ trình đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các khách hàng. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may đạt 45 tỷ USD trong năm nay.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu