Doanh nghiệp cần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh

Lệ Hằng/VOV- TP.HCM
Chia sẻ
(VOV5) - Kinh tế tuần hoàn trong quá trình xanh hóa đang được nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới qua sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất.

“Tương lai xanh hoặc là không có tương lai” đó là thông điệp được nhiều đại biểu nhắc đến tại Diễn đàn Thương mại xanh 2023 với chủ đề "Cơ hội - Thách thức - Triển vọng phát triển của doanh nghiệp" do Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức ngày 14/6. Tại đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi xanh là hướng phát triển bền vững nhưng doanh nghiệp cần được hỗ trợ để thúc đẩy nhanh quá trình này.

Doanh nghiệp cần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh - ảnh 1Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: Lệ Hằng

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:

 
 

  Chuyển đổi xanh - yêu cầu cấp bách

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cho rằng sản xuất xanh không còn là khẩu  hiệu mà là xu hướng tất yếu của thị trường. Sản xuất xanh giống như tấm “hộ chiếu xanh" cho doanh nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng sản xuất xanh đang trở thành vấn đề cấp bách và thành phố rất quan tâm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh: "Qua đây tìm kiếm được những mô hình để phát triển kinh tế Thành phố theo hướng tăng trưởng xanh, những mô hình đó có thể trong tiêu dùng, sản xuất, phân phối … và cần có những công cụ kiểm soát để có ý nghĩa là tài chính xanh, kinh tế xanh. Diễn đàn rất có ý nghĩa, giúp chính quyền thành phố tìm cách xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế Thành phố".

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng xanh, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất xanh. Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong những doanh nghiệp như vậy. Đây là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam có 2 nhà máy và trang trại vừa đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS. Công ty có  lộ trình cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035.

Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực chuyển đổi xanh. Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất Công ty Cổ phần sữa Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm: "Đối với  những doanh nghiệp nhỏ chưa  tiềm lực đầu tư như Vinamilk như các dây chuyền công nghệ hiện đại có chỉ số phát thải thấp, theo tôi hướng tới nên duy trì năng suất sản xuất tốt để giảm lượng phát thải và phối hợp với các đối tác trồng cây xanh".

Tài chính xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh nhưng còn hạn chế về nguồn lực tài chính nên cần có nhiều chính sách về  “tài chính xanh”. Liên quan đến tín dụng cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: cuối tháng này, nếu Quốc hội xem xét thông qua việc tái khởi động chương trình kích cầu đầu tư thì đây là nguồn vốn rất tốt hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, vì có những dự án được hỗ trợ vay đến 200 tỷ đồng, thời hạn vay 7 năm, mức lãi suất hỗ trợ từ 50-100%: "Chương trình kích cầu này còn mạnh mẽ hơn trái phiếu xanh, nó thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ cao, chuyển đổi số... Nó bao gồm các dự án đầu tư sản xuất công nghệ cao, các dự án  khởi nghiệp, vườn ươm, nhà xưởng, các dự án tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải…".

Doanh nghiệp cần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh - ảnh 2Vinamilk xanh hóa vùng nguyên liệu chăn nuôi. Ảnh: doanh nghiệp cung cấp

Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang bình xét danh hiệu Doanh nghiệp xanh, đồng thời gắn logo để nhận diện thương hiệu xanh. Hiệp hội cũng quảng bá, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm xanh.

Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh còn liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xử lý rác thải để  tái chế chất thải thành vật liệu xây dựng, theo hướng kinh tế tuần hoàn. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp  hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Không phải doanh nghiệp chỉ đưa sản phẩm ra thị trường mà tất cả các chất thải sẽ có doanh nghiệp khác bọc lót để xử lý. Phần bỏ ra  của doanh nghiệp này thì là phần nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác như nguyên liệu xây dựng, xi măng… Chúng tôi kết hợp với các doanh nghiệp xây dựng, Hiệp hội xây dựng trong việc này. Kinh tế tuần hoàn thì xanh đầu này là đầu vào của doanh nghiệp  khác cho nên phải kết hợp thành xâu chuỗi".

Sản xuất xanh không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm xanh mà những chất thải từ sản xuất của doanh nghiệp này có thể là đầu vào cho sản phẩm của doanh nghiệp khác. Kinh tế tuần hoàn trong quá trình xanh hóa đang được nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới qua sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất để đạt mục tiêu này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu