Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế 2021-2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp”

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng...

Nhằm góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày 14/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp”.

Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế 2021-2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp” - ảnh 1

Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng… tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trước bối cảnh đó, một trong những giải pháp được đưa ra nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đó là phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế….

Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2021, đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhấn mạnh tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của Kế hoạch giai đoạn 2016-2020; bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội, các mô hình kinh doanh mới và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh và bền vững.

Tại Diễn đàn, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “Kế hoạch này với những nhiệm vụ cụ thể, tạo ra sự đột phá trong thời gian tới. Chúng ta phải cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bởi vì đó là con đường phát triển dài lâu không những của Việt Nam mà còn là của thế giới. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nếu như không có chiến lược cụ thể để theo đuổi nền kinh tế xanh, kinh doanh xanh thì sẽ rất khó để phát triển trong tương lai với xu hướng giảm thải carbon, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.”

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục có những hỗ trợ về thể chế cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và phục hồi trong thời gian tới

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu