Đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương giữa Việt Nam và Malaysia

Chia sẻ
(VOV5) - Hai bên cũng nhất trí nỗ lực hơn nữa nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD.

Chiều ngày 23/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc điện đàm với Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin để trao đổi về hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về phòng chống dịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, hoan nghênh việc hai nước phối hợp, hỗ trợ nhau hồi hương công dân thời gian qua.

Đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương giữa Việt Nam và Malaysia - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm vớiThủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin

Hai Thủ tướng nhất trí đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương thông qua duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cấp, phối hợp sớm tổ chức các cơ chế hợp tác song phương định kỳ, trong đó có kỳ họp thứ sáu Uỷ ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật, sớm thống nhất và thông qua Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2020-2025. Hai bên cũng nhất trí nỗ lực hơn nữa nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD (năm 2019 đạt 11,08 tỷ USD), đồng thời tiếp tục thúc đẩy đầu tư hai chiều, để hai nước tiếp tục nằm trong số 10 đối tác kinh tế hàng đầu của nhau.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Thủ tướng Muhyiddin Yassin cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, khẳng định sẽ tham gia và đóng góp vào thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra ngày 26/6 theo phương thức trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ủng hộ mạnh mẽ Malaysia tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC trong thời gian tới.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, tự do và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông, đặc biệt không để ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - thương mại; nhất trí cùng nỗ lực giữ gìn đoàn kết và lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu