Hôm nay (30/12), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương(CPTPP) chính thức có hiệu lực, tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 1/10 nền kinh tế thế giới. Các nhà xuất khẩu được xem là được hưởng lợi đầu tiên từ văn kiện này.
Hiệp định CPTPP có hiệu lực cũng đồng nghĩa với việc các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp được cắt giảm, những quy định về đầu tư được nới lỏng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được tăng cường. 11 quốc gia thành viên CPTPP hy vọng, hiệp định này sẽ là câu trả lời mạnh mẽ nhất cho xu hướng bảo hộ.
Là một trong những nước đầu tiên thông qua Hiệp định, Chính phủ New Zealand hôm nay khẳng định, các nhà xuất khẩu sẽ là những người đầu tiên được hưởng lợi từ văn kiện này. Theo Bộ trưởng phụ trách Tăng trưởng xuất khẩu và Thương mại David Parker, ngay khi CPTPP đi vào hiệu lực, thuế quan ở cả 3 nền kinh tế quan trọng là Nhật Bản, Canada và Mexico cũng ngay lập tức bắt đầu giảm.
|
Cuộc trao đổi cấp bộ trưởng trước thời điểm kí kết Hiệp địnhĐối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile. |
Cụ thể, Mexico và Canada sẽ cắt giảm thuế quan hơn nữa trong vòng điều chỉnh thứ 2 vào ngày đầu năm mới và Nhật Bản là 3 tháng sau (tức ngày 1/4). Theo Bộ trưởng Parker, thỏa thuận sẽ thúc đẩy hợp nữa khả năng cạnh tranh của sản phẩm tại những thị trường này và có khả năng mang lại khoảng 222 triệu USD tiết kiệm thuế cho các nhà xuất khẩu New Zealand, với gần một nửa trong số đó đã sẵn sàng trong năm đầu tiên.
Chính phủ New Zealand dự kiến, CPTPP sẽ thúc đẩy nền kinh tế đất nước lên khoảng 1,2 tỷ đô la đến 4 tỷ đô la Niu Di-lân mỗi năm. Bộ trưởng David Parker nhấn mạnh, trong bối cảnh tiếng nói của Tổ chức Thương mại thế giới dường như không có trọng lượng, lựa chọn để thay thế đó là các thỏa thuận đa phương. Đề xuất quan trọng nhất vào thời điểm này là CPTPP, chiếm hơn 13% GDP của thế giới . Đối với New Zealand, Hiệp định này sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế và từng người dân.
Tờ Asahi Shimbum của Nhật Bản số ra mới đây cho biết, ngay từ 30/12, Nhật Bản sẽ miễn thuế với kiwi, nho và dưa, đồng thời giảm thuế đối với thịt bò nhập khẩu từ 38,5% hiện nay xuống còn 27,5%. Trước đó, Nhật Bản đã áp dụng mức thuế cao hơn 6% đối với kiwi, mà 80% trong số đó nhập khẩu từ New Zealand.
Theo Giám đốc điều hành công ty Trồng trọt New Zealand Mike Chapman, Nhật Bản là một đối tác thương mại quan trọng và những ưu đãi về thuế khi tiếp cận thị trường Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích cho người trồng trọt không chỉ của New Zealand.
Trong khi đó, trang tin nổi tiếng Quartz của Mỹ bắt đầu đánh giá những thiệt hại đối với nền kinh tế Mỹ do quyết định của Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp dịnh đối tác xuyên Thái Bình Dương. Theo trang tin này, chính sách thương mại “đối đầu” của nhà lãnh đạo Mỹ đã khiến người nông dân Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu do thuế trả đũa Trung Quốc và giờ đây, họ lại chuẩn bị phải đối mặt với một loạt tổn thất khác khi bỏ lỡ các khoản giảm thuế và đặc quyền khác do quyết định rút khỏi thỏa thuận thương mại tham vọng với các quốc gia Vành đai Thái Bình Dương.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam. Hiệp định này được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân các quốc gia thành viên.
Hiệp định sẽ tạo ra một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng GDP khoảng 10.100 tỷ đôla, chiếm 13,5% GDP thế giới. Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand, Canada và Australia là 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP để tạo điệu kiện cho thỏa thuận này đi vào hiệu lực. Tại Việt Nam, hiệp định sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2019.
Thu Hoài/VOV1