Cơ hội để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam

Phạm Hải
Chia sẻ
(VOV5) - Ngay trong những tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD. 

Trong bối cảnh nguồn cung gạo toàn cầu giảm do một số quốc gia vẫn hạn chế xuất khẩu gạo và tình hình thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng tới sản lượng, xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ khởi sắc và tiếp cận thêm nhiều thị trường trong thời gian tới.

Nghe âm thanh bài tại đây:
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm ngoái, xuất khẩu gạo đã mang về cho Việt Nam hơn 4,6 tỷ USD, tăng cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu. Đây được xem là năm thắng lợi của ngành hàng lúa gạo. Ngay trong quý I năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt con số ấn tượng gần 2,2 triệu tấn, với trị giá 1,4 tỷ USD, giá trung bình hơn 653 USD/tấn. Con số này đã tăng hơn 17% về lượng và hơn 45% về trị giá so với năm ngoái, tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.
Cơ hội để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam - ảnh 1Ngay trong những tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD. Ảnh minh họa: VOV

Những tín hiệu xuất khẩu gạo khởi sắc đầu năm một phần do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đi sâu vào các thị trường “khó tính” như châu Âu.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một yếu tố khác khiến gạo Việt Nam nâng cao giá trị là do có trên 80% giống chất lượng cao, đặc sản đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đáng chú ý, Việt Nam không chỉ quan tâm đến vấn đề xuất khẩu mà còn sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất Việt Nam, đang tập trung sản xuất lúa gạo theo các quy trình canh tác bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo hướng đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu: "Việt Nam có trên 80% giống lúa chất lượng cao và lúa đặc sản đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Khi mở rộng thị trường thì các tiêu chuẩn quốc tế đặt ra rất khắt khe, vì thế Việt Nam tổ chức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu đạt chuẩn này. Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đang phối hợp với các địa phương tổ chức các vùng nguyên liệu để đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo."

Theo ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam, hiện nay gạo của Công ty xuất sang 13 nước Châu Âu có giá bán thấp nhất là 980 USD/tấn. Để vào được thị trường Châu Âu và bán với giá cao, doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm đến 5 vấn đề, đó là: thương hiệu; đầu tư công nghệ; nguồn nhân lực; tính liên kết và vai trò của các hiệp hội, ngành hàng trong chuỗi giá trị lúa gạo. Trong đó, vai trò liên kết để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định sẽ góp phần xây dựng thương hiệu gạo bền vững. Trong chuỗi liên kết này, các thành viên phải có sự chia sẻ hài hòa lợi ích với nhau để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam: "Để tạo được chuỗi liên kết, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương cùng với việc các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng vùng nguyên liệu. Chúng ta cùng sát cánh làm từng bước thì tôi nghĩ vùng nguyên liệu này sẽ dần dần hình thành, nhưng quan trọng chính là người dân ở địa phương cũng như là hợp tác xã phải thấu hiểu được khó khăn của địa phương, doanh nghiệp để chia sẻ, đồng cảm với nhau, nhất là khi giai đoạn giá cả biến động nhiều."

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở vùng ĐBSCL, tổng lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu năm nay ở các tỉnh vùng ĐBSCL ước đạt khoảng 7,3 triệu tấn, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Cơ hội để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam - ảnh 2Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sản lượng lúa của Việt Nam năm nay hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu đề ra: "Chúng tôi dự kiến năm nay xuất khẩu khoảng 7,3 triệu tấn. 6 tháng đầu năm chúng tôi dự kiến xuất khẩu 4,3 triệu tấn. Như vậy là chúng tôi vẫn đảm bảo được lượng xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn khẳng định vẫn đảm bảo được sản lượng lúa theo kế hoạch."

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đánh giá những tín hiệu khởi sắc xuất khẩu gạo trong những tháng qua cho thấy các doanh nghiệp đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, tạo đà để gia nhập vào các thị trường tiềm năng khi nhiều nước vẫn đang hạn chế xuất khẩu gạo.

Để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trong liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, minh bạch trong sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn, nâng cao giá trị gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu