Cơ giới hóa nông nghiệp trong sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Bích Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước với sản lượng ngày một tăng. Trong vòng 10 năm qua, khu vực này có bước tiến đáng kể trong cơ giới hóa sản xuất lúa.
(VOV5) - Với  hơn 1,8 triệu hecta đất cùng 2 đến 3 vụ lúa/năm, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước với sản lượng ngày một tăng. Trong vòng 10 năm qua, khu vực này có bước tiến đáng kể trong cơ giới hóa sản xuất lúa, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển toàn diện. Trước những khó khăn đó, vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất lúa đang là mục tiêu cần thiết với định hướng rõ ràng cho vùng đất trồng lúa còn nhiều tiềm năng này. 

Cơ giới hóa nông nghiệp trong sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Qua 10 năm áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần tăng năng suất lúa của khu vực từ 4,3 triệu tấn/ha vào năm 2001 lên 5,7 triệu tấn/ha vào năm 2012, sản lượng cũng tăng từ 16 lên 24,5 triệu tấn. Máy móc được ứng dụng trong nhiều khâu đã góp phần đáng kể trong giảm tổn thất và gia tăng giá trị cho ngành lúa gạo. Đặc biệt là cơ giới hóa trong khâu thu hoạch giảm được khoảng 50% chi phí so với thu hoạch thủ công. Điển hình về cơ giới hoá nông nghiệp phải kể đến tỉnh Long An, một trong 4 tỉnh có diện tích trồng lúa nhiều nhất với diện tích 260.000 ha, đóng góp cho khu vực hơn 2,6 triệu tấn lúa mỗi năm. Long An hiện là tỉnh áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa cao nhất của khu vực với tỷ lệ đạt 95% và thực hiện tốt nhiều chính sách thúc đẩy cơ giới hóa trồng lúa, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, cải thiện đáng kể đời sống người nông dân. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An, cho biết: “Chúng tôi đang ứng dụng máy móc công nghệ cao, đặc biệt là thiết bị san phẳng mặt ruộng bằng laser, hứa hẹn sẽ tạo sự đột phá. Người nông dân sẽ giảm giống, phân, thuốc và điều khiển các quy trình canh tác tốt hơn. Khi ruộng canh tác tốt thì tỉnh sẽ đưa máy cấy vào để giảm chi phí công lao động. Để thúc đẩy cơ giới hóa trong trồng lúa thì cần hỗ trợ người dân vốn vì nói tới máy móc thì phải nói tới vốn. Các viện, trường cũng cần tiếp tục nghiên cứu để làm sao máy móc nước ngoài phù hợp với đồng ruộng Việt Nam, đặc biệt là ở Đồng bằng Sông Cửu Long.”


Anh Võ Văn Chất, nông dân ở ấp 5 xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, canh tác lúa giống cho Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An đã gần 10 năm nay với  diện tích 1 ha, năng suất bình quân 8 tấn/ha. Năm 2003, anh và 7 hộ khác trong tổ bắt đầu áp dụng máy gặt đập liên hợp và máy sấy lúa vào các quy trình canh tác. Từ ngày có máy móc, khâu thu hoạch lúa ngắn hơn thời gian làm thủ công 20 ngày, hao hụt trong thu hoạch cũng giảm từ 30% xuống còn khỏang 10%. Lợi nhuận của tổ canh tác thu được cũng tăng từ 50 triệu/ha/người/năm lên 65 triệu/người. Ông Võ Văn Chất cho biết: “Tôi thấy mô hình cơ giới hóa này rất thuận lợi cho nông dân nhưng còn khá mới mẻ đối với nhiều hộ nông dân. Chúng tôi rất mong nhà nước hỗ trợ tiền vay ngân hàng để mua các loại máy giúp người nông dân. Với riêng những hộ sản xuất lúa giống thì cần nhất là máy cấy, mong là được hỗ trợ máy này..” 


Tuy được ưu tiên đầu tư, nhưng tỷ lệ các khâu cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt yêu cầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khá khiêm tốn, đặc biệt là ở khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch và phơi, sấy. Điều này gây ra những tổn thất không nhỏ cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam vì chất lượng không đảm bảo. Thêm vào đó, với những yếu tố bất lợi như sâu rầy, lũ, xâm nhập mặn và phèn xuất hiện thường xuyên hơn, lực lượng lao động nông thôn sụt giảm mạnh cũng tăng sức ép lên sản xuất lúa. Vì thế, cơ giới hóa thật sự trở thành một nhu cầu cấp thiết, đặc biệt là việc ứng dụng máy cấy cần triển khai mạnh mẽ hơn, nhất là tại những vùng canh tác lúa ven biển, luôn bị đe dọa bởi nguy cơ xâm nhập mặn. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng: “Canh tác lúa thì khâu cấy rất quan trọng. Lao động nông thôn đang khan hiếm nên cần dùng máy cấy và máy này có thể cấy từ 3 - 5 ha/ngày, kéo giảm thời gian cây lúa đứng trên đồng, không ngã… Để làm tốt thì phải cải tạo đồng ruộng tốt. Hiện mức đầu tư cho máy cấy cao nên nông dân cũng ngại. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền và trình diễn tại ruộng thì người nông dân sẽ thấy hiệu quả và thực hiện. Nếu sản xuất được máy này trong nước thì giá thành thấp, dễ phổ biến hơn.”


Tuy nhiên thực tế hiện nay, giá thành các loại máy móc tương đối cao, nhiều hộ dân không đủ chi phí để mua các loại máy phục vụ cho việc trồng và sản xuất lúa. Chính vì vậy, nông dân rất cần những chính sách hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi cùng với việc hướng dẫn cách sử dụng để có thể nhanh chóng tiếp cận công nghệ. Ông Mai Thành Phụng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia, cho biết:“Năng suất lúa được quyết định bởi số bông trên đơn vị diện tích và số lượng hạt chắc trên bông. Nếu có mật độ thích hợp trong gieo cấy bằng máy thì sẽ tạo được đột phá trong năng suất, số hạt chắc trên bông sẽ tăng lên, năng suất cũng tăng theo. Nếu làm được đều này, các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có thể tăng năng suất vụ Đông - Xuân từ 8 lên 10 tấn và vụ Hè – Thu từ 5 tấn lên gần 7 tấn. Đây là việc mà chúng tôi nghĩ có thể thực hiện được về cơ giới hóa trong trồng lúa.”


Để phát huy hiệu quả cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn cần phải giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, việc đề ra những chính sách hợp lý và khả thi cũng như tăng cường mối liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân), xóa dần hình thức sản xuất nhỏ lẻ sẽ là con đường để bà con nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu