Tại Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: “Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” do Tạp chí Kinh tế và dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 12/05, các chuyên gia khẳng định “quyết sách nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tin tưởng và lạc quan vào tương lai kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp-khó lường, cần sự chủ động, linh hoạt nhiều hơn từ cấp doanh nghiệp, tới tầm vĩ mô.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, qua 4 tháng đầu năm, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, GDP quý I vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 5% so với cùng kỳ trước; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,1%, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng được bảo đảm, thu ngân sách khả quan; Chỉ số Môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 12 điểm phần trăm so với quý trước, là mức cao nhất kể từ đợt dịch lần thứ 4.
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng GDP Việt Nam năm nay có thể đạt 6,5%, Ngân hàng Thế giới dự báo 5,3%; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tin rằng con số đó là 6% …Đó là những tín hiệu tích cực, cho thấy, cộng đồng kinh doanh tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, chúng ta cần những phân tích chuyên sâu dể phục hồi tăng trưởng bền vững: "Dù lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam chúng ta cũng nhận thấy môi trường kinh doanh ngày càng xuất hiện những thách thức mới khó lường. Đại dịch Covid-19 chưa kết thúc trong bối cảnh bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn, đòi hỏi công tác dự báo về triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế ngành cần được cập nhật dựa trên những phân tích khoa học, chuyên sâu và đa chiều. Tôi tin tưởng những phân tích dự báo được chia sẻ tại diễn đàn sẽ có đóng góp tích cực không chỉ công tác hoạch định chính sách mà còn giúp ích cho hoạt động của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, để cùng hiện thực hóa mục tiêu phát triển Đất nước như các Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra."
Quang cảnh diễn đàn. |
Trên tinh thần đó, các chuyên gia kinh tế, đại diện các tổ chức kinh tế quốc tế, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nhân tiêu biểu đã thảo luận, nhận định, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ (ban hành tại Nghị quyết số 11) sẽ tạo cơ hội để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Trước khi có Chương trình này, nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ cũng đã được thực hiện, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp… So sánh quốc tế và khu vực, quy mô hỗ trợ tương đối lớn, phù hợp tình hình - hoàn cảnh trong nước, đảm bảo kiểm soát rủi ro vĩ mô. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế mới đòi hỏi các hoạt động hỗ trợ linh hoạt, sát thực hơn. Cụ thể, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành công, phải đáp ứng 3 yêu cầu: Thứ nhất, khẩn trương hiện thực hóa các chương trình hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp; Thứ hai, đảm bảo hoạt động hỗ trợ hiệu quả, không dàn trải, lãng phí nguồn lực; Thứ ba, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Và quan trọng, cần sự nỗ lực-chủ động của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp, đó là dự năng động, sáng tạo, thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới, các yếu tố công nghệ mới.
Cùng quan điểm này, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam phân tích và khuyến nghị: "Việt Nam không chịu tác động nhiều từ cuộc chiến Nga-Ukrai na khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước này không nhiều, tác động thương mại và tài chính không nhiều. Tuy nhiên, tác động ngay lập tức là tăng giá nguyên liệu thô, tăng giá xăng, dầu, tăng giá điện. Điêu. này sẽ làm giảm tăng trưởng khoảng 0,5%, tăng lạm phát khoảng 0,8%. Việt Nam cần có có những chính sách ưu tiên: Cần thúc đẩy phục hồi, duy trì thị trường tài chính; cần những chính sách mau lẹ để hỗ trơ kịp thời các đối tượng gặp khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương; Hệ thống tài chính cần chấm dứt những quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng nên giữ nguyên các nhóm nợ và tăng cường giám sát – Chinh sách tiền tệ rất quan trọng sẽ giúp giảm rủi ro với nền kinh tế, cần đảm bảo tài chính minh bạch. Về ngắn hạn, cần đảm bảo sự phục hồi của các ngân hàng".
Các chuyên gia khẳng định, tác động của cuộc chiến Nga-Ukraina lên nền kinh tế toàn cầu có thể kéo dài qua năm 2023. Đến nay, với 2 yếu tố tác động là cuộc chiến Nga-Ukraina và làn sóng dịch bệnh do Omicron, GDP toàn cầu cả năm ước đạt 3,6%, Một số cường quốc như Mỹ có thể đạt 3,7%. Tình hình kinh tế thế giới như vậy, Việt Nam đã mở cửa trở lại, đã-đang nỗ lực ổn định chính sách tài khóa tiền tệ cùng nhiều chương trình hành động khác giúp hỗ trợ phục hồi tốt hơn, nhưng sự phục hồi không đồng đều, cần những chính sách linh hoạt hơn mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và phát triển bền vững.
Trong đó, để đạt được mức tăng trưởng GDP kỳ vọng, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính, đa dạng hóa nguồn cung, đặc biệt nhóm nguyên vật liệu; cần dự báo sớm và dự trữ mặt hàng xăng-dầu, đẩy mạnh sản xuất đảm bảo đi đôi với lưu thông hàng hóa; cảnh báo sớm và có các giải pháp đảm bảo kiềm chế lạm phát.