Chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Bá Toàn
Chia sẻ
(VOV5) - Nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời, các doanh nghiệp không chỉ phục hồi sản xuất, kinh doanh mà còn có thêm nguồn lực để thực hiện vai trò bình ổn thị trường.

Nhà nước triển khai các chính sách về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, giảm tiền thuê đất, giãn nộp thuế cho doanh nghiệp và người dân… nhưng tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm nay vẫn đạt 1.016 nghìn tỷ đồng (khoảng 42,5 tỷ USD), bằng gần 63% dự toán năm. Đặc biệt, số thu đến từ sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, ước đạt 63,4% dự toán. Điều này cho thấy những chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp và người dân của Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã đi đúng hướng, giúp doanh nghiệp, người dân… phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh - ảnh 1Ngành Thuế tiếp tục nghiên cứu chính sách tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: tapchitaichinh.vn

Đã hơn 1 tháng chính sách giảm 2% thuế VAT đi vào thực tiễn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia An tiết kiệm gần 200 triệu đồng (9.000 USD) tiền mua nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách, như: giãn, hoãn nợ thuế; miễn, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăng... được đẩy nhanh, doanh nghiệp có thêm được nguồn lực gần 10 tỷ đồng (khoảng 420.000 USD) để đầu tư, phục hồi sản xuất kinh doanh. Dự tính, hoạt động kinh doanh duy trì sự ổn định cùng tín hiệu thị trường phục hồi ở những tháng cuối năm, nên khi đơn hàng về nhiều hơn, tiền tạm nộp thuế của đơn vị có thể lên 4 tỷ đồng (khoảng 160.000 USD). Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia An, chia sẻ: "Các chính sách về thuế hỗ trợ doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp tích luỹ được lợi nhuận và từ tích luỹ lợi nhuận đó thì sẽ đóng góp được thuế cho nhà nước cũng như chăm lo đời sống của người lao động ngày càng tốt hơn. Ví dụ, qua thời gian ngắn vừa rồi thì đã giúp cho doanh nghiệp chúng tôi tiết kiệm được hàng tỉ đồng. Và đây là điều đáng mừng, tạo đà cho doanh nghiệp trong những tháng tới đây".

Nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các doanh nghiệp không chỉ phục hồi sản xuất, kinh doanh mà còn có thêm nguồn lực để thực hiện vai trò bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản, cho biết: "Với chương trình giảm thuế của Chính phủ cộng với nội lực của doanh nghiệp, với những chương trình khuyến mãi mà chúng tôi đã và đang thực hiện thường xuyên như vậy, chúng tôi kỳ vọng doanh thu ở giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ tăng từ 10 - 15%".

Trước những kết quả tích cực của chính sách thuế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất. Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách, Tổng cục thuế, cho biết: "Để góp phần tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, cá nhân tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn thông qua giảm chi phí tài chính, hỗ trợ thanh khoản và dòng tiền, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023".

Việc triển khai và thực hiện các chính sách thuế đã tạo thêm động lực và niềm tin cho doanh nghiệp, tạo đà cho doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu