(VOV5) - Trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, tỉnh Đồng Tháp giữ vị trí á quân và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 66,39 điểm.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp địa phương này nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Đây là niềm vui vì "Thương hiệu Đồng Tháp - PCI" dần được khẳng định. Đây là kết quả của sự đồng thuận giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc góp phần tạo sự bứt phá của Đồng Tháp.
|
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương (thứ hai từ phải sang) tại buổi lễ |
PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau và mức độ hỗ trợ của chính quyền theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương. Trong tổng số 10 chỉ số thành phần đánh giá PCI năm 2015, Đồng Tháp có 2/10 chỉ số thành phần đứng đầu cả nước, đó là tính năng động của chính quyền và chi phí thời gian. Theo nhiều nhà đầu tư trên địa bàn, điểm mạnh của địa phương đó là sự năng động, quyết đoán của lãnh đạo tỉnh và đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, nơi nào có khó khăn, doanh nghiệp có vướng mắc đều được tỉnh đến tìm hiểu và giải quyết kịp thời. Ông Jo Hyung Tae, Giám đốc Công ty TNHH In Jae Đồng Tháp, với 100% vốn Hàn Quốc, cho biết công ty ông vừa được nhận giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh chỉ sau thời gian ngắn hoàn thành thủ tục đăng ký. Cũng như nhiều nhà đầu tư đang có dự án sản xuất tại Đồng Tháp, ông Jo Hyung Tae tỏ ra lạc quan và đánh giá cao kết quả PCI 2015 mà Đồng Tháp đã đạt được: "Tôi đánh giá cao môi trường đầu tư của Đồng Tháp. Khi đến đây chúng tôi nhận được rất nhiều ưu đãi từ chính quyền. Tôi cảm thấy người dân ở Đồng Tháp thân thiện hài hòa. Thời gian qua, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các Sở ngành. Sắp tới, công ty sẽ mở rộng dây chuyền và thu thêm công nhân nhằm giải quyết lượng lao động lớn cho tỉnh nói chung".
Hiện nay, mục tiêu lớn nhất mà Đồng Tháp đang quyết tâm thực hiện, đó là tạo dựng hình ảnh địa phương nhằm làm động lực phát triển mới, đưa Đồng Tháp trở thành một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, một vùng đất ấn tượng đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Thương hiệu Đồng Tháp chính là chìa khóa mở ra cơ hội thu hút nguồn nhân lực, vốn đầu tư phát triển các ngành kinh tế, du lịch, văn hóa - xã hội. Khi xây dựng được thương hiệu và hình ảnh tốt sẽ tăng sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp cũng như thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư; dễ dàng quảng bá du lịch, thuận lợi trong xúc tiến quan hệ đối ngoại và tạo được niềm tự hào về quê hương trong mỗi người dân. Việc Đồng Tháp tiếp tục giữ vị trí thứ 2 cả nước và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo động lực mới để tỉnh tiếp tục đổi mới và phát triển. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng: "Muốn thu hút nhà đầu tư thì chính quyền địa phương phải ứng xử và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp ngay tại địa phương cho lớn mạnh. Chính cộng đồng doanh nghiệp đang kinh doanh tại địa phương sẽ tạo sự kết nối, lan tỏa để nhiều nhà đầu tư khác biết đến".
|
Với vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Đồng Tháp đã và đang tiếp tục xác lập hình ảnh một chính quyền gần dân và doanh nghiệp. Ông Châu Hồng Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh luôn coi việc cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính là để phục vụ xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập trung xây dựng hạ tầng để đón chào các nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng vào khai thác lợi thế kinh tế biên giới, các thế mạnh của tỉnh; góp phần phát triển thương mại, dịch vụ, đưa nền kinh tế địa phương phát triển. Ông Châu Hồng Phúc nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa. Trên cơ sở chỉ số PCI, chúng tôi sẽ rà soát lại các chỉ số thành phần, đề xuất các giải pháp để cải thiện tốt hơn nữa. Quan trọng nhất chúng tôi luôn trân trọng tất cả các ý tưởng đầu tư, ý kiến đóng góp của doanh nghiệp. Qua đó, tạo sự tin tưởng của doanh nghiệp, an tâm đầu tư tại địa phương".
Với những phản hồi tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp tại Đồng Tháp, "Thương hiệu Đồng Tháp - PCI" không chỉ mang tính chất động viên cổ vũ đối với chất lượng hoạt động của chính quyền, mà sâu xa, còn có thể thấy được niềm tin của các doanh nghiệp, của người dân vào bộ máy công quyền. Niềm tin đó khi biến thành "hình ảnh địa phương, thương hiệu địa phương" sẽ trở thành sức mạnh tổng hợp để nhân dân, doanh nghiệp và chính quyền cùng nhau chung tay xây dựng quê hương phát triển