Cần có biện pháp khơi thông nguồn lực vàng trong dân

Chia sẻ

(VOV5) - Cấm huy động và cho vay bằng vàng sẽ dẫn đến lãng phí một tiềm lực vốn lớn trong dân không được khai thác để phục vụ nền kinh tế.

(VOV5)-Cấm huy động và cho vay bằng vàng sẽ dẫn đến lãng phí một tiềm lực vốn lớn trong dân không được khai thác để phục vụ nền kinh tế.

Cần có biện pháp khơi thông nguồn lực vàng trong dân  - ảnh 1



Thời gian gần đây, giá vàng trong nước liên tục đứng ở mức cao, bất chấp giá thế giới nhiều thời điểm giảm mạnh. Điều này đang đặt ra câu hỏi có hay không sự tăng giá bất hợp lý kéo dài? Làm sao để có thể huy động được một lượng lớn vàng mà người dân đang nắm giữ để trở thành nguồn lực phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế và ổn định thị trường vàng trong nước?


Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp điều hành việc sản xuất vàng miếng cho thị trường nhằm 2 mục tiêu là bảo đảm nguồn cung cho thị trường và kéo giá vàng trong nước về gần với thế giới, nhưng thực tế, giá vàng trong nước vẫn cứ tăng không theo một quy luật nào. Giá bán vàng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng luôn cao hơn giá vàng quốc tế từ 2 - 3 triệu đồng/lượng.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai cho biết: “Về nghĩa đen, do chúng ta không sản xuất được vàng mà vàng nhập vào chúng ta phải trả bằng USD mà đô la mất giá thì đương nhiên vàng tính bằng tiền Việt phải lên. Còn nghĩa bóng là do sức mua đối ngoại của đồng tiền giảm thì đương nhiên tạo hiệu ứng lan tỏa sang sức mua đối nội của đồng tiền Việt Nam, sức mua đối ngoại - đối nội yếu nữa thì đương nhiên vàng tăng giá.”

Là một trong những kênh đầu tư lớn của nền kinh tế nhưng từ nhiều năm nay, giá vàng luôn có những biến động rất bất thường và không theo bất kỳ quy luật nào của thị trường. Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng: nguyên nhân là các ngân hàng thương mại đã trót để trạng thái vàng âm quá sâu. Các ngân hàng huy động vàng của dân rồi mang bán, khi thị trường có biến động, người dân dồn dập rút vàng ra, buộc các ngân hàng phải mua vào nhiều, khiến giá vàng bị đẩy lên cao.

Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, mức chênh lệch từ 2 đến 3 triệu đồng giữa giá vàng trong nước và thế giới là bất thường và rất khó hiểu. Chính vì vậy, để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế thông tin minh bạch, kịp thời để lường được phản ứng của thị trường trước các chính sách của mình. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước cần phải mạnh tay hơn trong việc chống nạn đầu cơ, làm giá để lập lại trật tự trên thị trường vàng.

Ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục triển khai nhiều biện pháp rất cụ thể và nhanh hơn. Vì đến thời điểm hiện nay người dân và doanh nghiệp vẫn băn khoăn chưa rõ đề án, phương án như thế nào. Ngoài ra, kênh vàng và ngoại hối có mối liên thông chặt chẽ với nhau. Vì thế khi quản lý thị trường này vẫn phải tính đến thị trường kia. Cần có sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa.”

Việc Ngân hàng Nhà nước cấm huy động và cho vay vàng nhằm khuyến khích người dân chuyển từ gửi vàng sang tiền tiết kiệm và vay mượn bằng tiền Việt Nam. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có giải pháp để khơi thông dòng chảy của vàng trong dân, không thể để lãng phí nguồn lực rất lớn này. Tuy nhiên, việc cấm huy động và cho vay bằng vàng sẽ dẫn đến lãng phí một tiềm lực vốn lớn trong dân không được khai thác để phục vụ nền kinh tế.

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Tài – Phó giám đốc Trung tâm đào tạo - Học viện ngân hàng cho rằng: nếu đã cấm huy động, cho vay thì các cơ quan chức năng cần mở sàn vàng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Sàn vàng là sàn vàng vật chất, mua thật  - bán thật chứ không phải vàng ảo, do đó nếu nhà đầu tư nào có vàng thì mở tài khoản vàng tại ngân hàng, bước đầu chưa cho tư nhân tham gia sau khi đã phát triển thì dần mở rộng quy mô.

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Tài lý giải: “Sàn vàng là nơi thể hiện sự cung cầu của thị trường và khi đó người có nhu cầu sẽ nhìn thấy chỗ nào có giá rẻ nhất và khi có nhu cầu thật thì thị trường sẽ tự động điều chỉnh, khi đó Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ việc nhìn vào sàn vàng để quản lý kiểm soát”.

Mặc dù đã có nhiều lời cảnh báo được giới chuyên gia đưa ra trước và sau mỗi đợt vàng tăng giá bất thường, nhưng bỏ ngoài tai tất cả, nhiều người trong số các nhà đầu tư nhỏ lẻ và không ít người dân đã phải thua lỗ nặng vì vàng.

Để giảm thiểu rủi ro cho thị trường và nhà đầu tư, các cơ quan chức năng cần dự báo đúng để ngăn chặn tình trạng a dua chạy theo tin đồn về giá vàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Đặc biệt, cần công bố thông tin kịp thời để người dân có căn cứ xác thực để lựa chọn đầu tư, mua bán vàng./.

Văn Hiếu/VOV

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu