Tỉnh Bắc Giang “thủ phủ vải thiều” ở miền Bắc chuẩn bị bước vào thu hoạch vải chín. Sản xuất đảm bảo yêu cầu xuất khẩu của thị trường giá trị cao đồng thời chủ động mở rộng các kênh tiêu thụ đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà vườn và chính quyền của tỉnh Bắc Giang. Phóng sự “Bắc Giang: nâng cao chất lượng vải thiều xuất khẩu vào các thị trường khó tính” của phóng viên Minh Long ghi nhận tại các huyện Lục Ngạn và Tân Yên – vùng trồng vải thiều trọng điểm của Bắc Giang. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Dự kiến, vụ vải thiều sớm năm nay của huyện Tân Yên sẽ cho thu hoạch từ ngày 25 tháng 5 đến 15 tháng 6. Trong số 630 héc-ta vải thiều chín sớm của huyện Tân Yên, năm nay xã Phúc Hoà có một mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với 600 ha và 3 mã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với 25 héc-ta. Chị Nguyễn Thị Hiền và bà Trần Thị Yến, hộ sản xuất tham gia xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản chia sẻ, vải trong giai đoạn ra hoa, đậu quả thuận lợi, dự báo sản lượng năm nay sẽ tăng hơn khoảng 20% so với năm ngoái.
Vải ra hoa thuận lợi.jpg |
Một số hộ trồng vải chia sẻ: "Trồng chủ yếu là vải u hồng (vải chín sớm). Phun thuốc theo hướng dẫn của khuyến nông xã và những loại thuốc nằm trong danh mục cho phép. Định kỳ trước khi phun thuốc đều có cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn."
"Liên kết với doanh nghiệp và theo sự hướng dẫn của họ. Khi tham gia mã vùng trồng của doanh nghiệp đều được tập huấn, chăm sóc đúng theo tiêu chuẩn, việc chăm sóc vải cũng thuận lợi và năng suất chất lượng vải tốt."
Không chỉ sản xuất đáp ứng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính mà còn thích ứng với những yêu cầu mới về quản lý an toàn thực phẩm vào thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau phòng chống dịch Covid, ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn cho biết, sản lượng vải xuất khẩu năm nay sẽ cao hơn 2 năm vừa qua, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng 98 nghìn tấn niên vụ vải năm nay: "Năm nay địa phương có một số cách làm mới để tiêu thụ vải thiều như: thành lập các đoàn công tác sang Trung Quốc và một số nước như: Thái Lan, Campuchia… để xúc tiến thương mại, thông tin cho các doanh nghiệp về sản lượng và chất lượng vải thiều của Lục Ngạn. Bên cạnh đó, đa chủ động ký kết với các sàn giao dịch thương mại điện tử để có thể bán hàng trực tuyến."
Chăm sóc vải chín sớm.jpg |
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang cho biết, cùng với mở rộng diện tích sản xuất vải theo các tiêu chuẩn an toàn như: Vietgap, Globalgap và sản xuất hướng hữu cơ, năm nay, Bắc Giang tiếp tục duy trì 178 mã số vùng trồng xuất khẩu đối với vải thiều với tổng diện tích gần 16 nghìn 700 ha. Song song với cấp và quản lý mã số vùng trồng, Bắc Giang đã và đang xây dựng Chương trình số hóa vùng sản xuất tập trung nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu:
"Tập trung hướng dẫn sản xuất vải thiều có chất lượng cao nhất, theo tiêu chuẩn an toàn. Số hóa vùng sản xuất để vừa quản lý vừa truy xuất được nguồn gốc và cấp các mã số vùng trồng để thuận lợi việc quản lý. Bên cạnh đó, chú trọng việc sơ chế đóng gói và đặc biệt là nhãn mác sản phẩm và làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để tiêu thụ vải thiều thuận lợi cả trong nước và xuất khẩu."
Với tổng diện tích 29 nghìn 700 ha, tăng 1 nghìn 400 ha so với năm 2022, sản lượng vải thiều năm nay của Bắc Giang ước khoảng 180 nghìn tấn. Nông sản “được mùa, được giá” không chỉ là mong mỏi của nông dân nói chung, các nhà vườn trồng vải thiều ở Bắc Giang nói riêng, việc đảm bảo chất lượng trong sản xuất cũng như chủ động kết nối tiêu thụ được kỳ vọng sẽ tiếp tục đem đến vụ vải thành công cho Bắc Giang trong năm nay.